20:23 16/12/2020

"Lỡ hẹn" cải cách tiền lương, bao giờ lương công chức sẽ tăng?

Thu Hằng

Cải cách chính sách tiền lương là phải làm sao tiền lương thực tế của người hưởng lương, người hưởng bảo hiểm xã hội không bị giảm sút, nếu làm ngược lại thì cải cách tiền lương sẽ không có ý nghĩa

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cải cách chính sách tiền lương là phải làm sao tiền lương thực tế của người hưởng lương, người hưởng bảo hiểm xã hội không bị giảm sút, nếu làm ngược lại thì cải cách tiền lương sẽ không có ý nghĩa.

Quan điểm này được ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với VnEconomy về câu chuyện cải cách tiền lương, trong bối cảnh năm 2020 đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra khiến những lộ trình về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã đề ra đều bị "lỡ hẹn".

SẼ TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ TRƯỚC KHI CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Cùng với việc chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lộ trình cải cách chính sách tiền lương cũng bị lùi một năm, 6 tháng so với mục tiêu tại Nghị quyết số 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân và người lao động trong doanh nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm hơn một năm nữa để chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2022, sự chuẩn bị đó là gì, thưa ông?

Theo Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương về cải cách hệ thống chính sách tiền lương thì thời điểm thực hiện sẽ là 1/1/2021, nhưng rõ ràng chúng ta chuẩn bị điều kiện để cải cách tiền lương trong thời khắc lịch sử rất khó khăn, đó là đại dịch Covid–19, lũ lụt miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, chưa kể đến tình hình biến đổi khí hậu cũng rất phức tạp.

Do đó, Trung ương đã quyết định tạm dừng điều chỉnh cải cách chính sách tiền lương năm 2021 sang thời điểm thích hợp với những lí do trên. Như vậy, điều chỉnh cải cách tiền lương sẽ phải chờ đợi khi chuẩn bị đủ nguồn lực.

Tinh thần chung là nếu chúng ta khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn lực và cải cách bộ máy hành chính tốt, giảm nhẹ biên chế theo đúng tinh thần của nghị quyết Trung ương thì cải cách tiền lương sẽ được thực hiện vào ngày 1/7/2022.

Có thể thấy, cùng với việc trước hết chúng ta chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở, hai là chậm cải cách tiền lương, điều này sẽ tác động lớn đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực có quan hệ lao động đang thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, mức tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hằng năm thông qua thương lượng của Hội đồng tiền lương quốc gia nhưng năm 2021 cũng chưa đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Vấn đề đặt ra là từ nay đến khi thực hiện cải cách tiền lương thì có các biện pháp như thế nào? Chính phủ cũng đang quyết tâm cao, làm sao phải sớm điều chỉnh được tiền lương cơ sở, nâng mức từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng. Cùng với đó, cũng phải sớm điều chỉnh cho người có công, người về hưu có lương thấp, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1993 vì hiện nay lương của họ rất thấp, Chính phủ đang có lộ trình như vậy.

Ngoài ra, cũng phải thực hiện các biện pháp khác đó là sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm nhẹ biên chế, thu gọn đầu mối để giảm ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức khi giảm biên chế.

Vấn đề quan trọng hơn cả là phải tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập để tiết kiệm nguồn ngân sách, tạo nguồn để cải cách tiền lương khi đủ điều kiện. Chính vì lẽ đó, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội để cân đối ngân sách, làm sao sớm nhất điều chỉnh được mức tiền lương cơ sở trước khi chúng ta cải cách chính sách tiền lương.

Đây là một giải pháp hết sức quan trọng, là cái gốc quyết định. Chúng ta phải thực hiện làm sao để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt không để tình trạng người dân bị bỏ lại phía sau.

Rõ ràng có rất nhiều giải pháp tích cực để tạo nguồn, khi có cơ hội và điều kiện cân đối được ngân sách thì phải điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trước. Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm là có lẽ chúng ta phải quan tâm điều chỉnh tiền lương hưu cho những người về hưu trước năm 1993, làm sao để tất cả người dân không ai có mức sống dưới mức sống tối thiểu cơ bản.

TIẾT KIỆM MỌI NGUỒN CHI KHÔNG HIỆU QUẢ, HỘI HỌP, ĐI NƯỚC NGOÀI

Tạo nguồn để cải cách tiền lương thực chất là chuẩn bị về nguồn lực tài chính, vậy sẽ có những giải pháp cụ thể nào để tạo nguồn, thưa ông?

Theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương và đề án cải cách chính sách tiền lương thì chúng ta sẽ tập trung huy động nguồn lực bằng nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, trước hết như tôi đã đề cập là chúng ta phải cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức, giảm nhẹ biên chế, phấn đấu kết thúc năm 2020 phải giảm biên chế được 10%.

Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, về cơ bản chúng ta đã vượt được chỉ tiêu giảm biên chế 10%. Tiền chi trả lương cho 10% cán bộ công chức đó chính là một nguồn tích lũy để thực hiện cải cách tiền lương.

Thứ hai là chúng ta tiếp tục tiết kiệm các nguồn chi hành chính, chi hội họp, đi nước ngoài và các khoản chi chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả để chuẩn bị nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương. Vấn đề thứ ba là ngân sách Trung ương, địa phương cũng phải tiết kiệm một phần chi ngân sách và để lại nguồn vượt thu ngân sách ở một tỷ lệ nhất định theo tinh thần của nghị quyết để cân đối nguồn lực cho cải cách tiền lương.

Cùng với đó, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục thực hiện các chủ trương về tiết kiệm hành chính, xăng xe, các khoản có thể tiết kiệm được để trước khi cải cách chính sách tiền lương hoặc điều chỉnh mức tiền lương cơ sở thì phải có đủ nguồn lực.

Mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương là phải làm sao tiền lương thực tế của người lao động, của cán bộ công chức, viên chức, người nghỉ hưu không bị giảm sút, nếu làm ngược lại thì cải cách tiền lương không có ý nghĩa. Vì lẽ đó, chúng ta phải tạo được nguồn thì mới cải cách được tiền lương, mới điều chỉnh được tiền lương cơ sở, lúc đó mới không bị tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Cải cách tiền lương cũng là để nâng cao đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người nghỉ hưu, phải tạo ra động lực phát triển xã hội, làm sao khi cải cách tiền lương thì hiệu quả công tác phải tốt hơn, chất lượng hơn và năng suất lao động phải được tăng lên.

Tôi nghĩ rằng, phải coi đầu tư cho cải cách tiền lương, cũng như là đầu tư cho phát triển, phải lấy đầu tư này làm động cơ để thúc đẩy phát triển, tăng năng suất lao động. Chỉ có như vậy mới thể hiện đúng nguyên tắc tiền lương là chi trả cho chi phí lao động, thông qua giá cả sức lao động trên thị trường, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

LẤY HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ LÀM THƯỚC ĐO TRONG TẠO NGUỒN

Nhưng việc tạo nguồn để cải cách tiền lương có thể sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa biết đến bao giờ dịch Covid-19 mới kết thúc, thưa ông?

Đến thời điểm này, về cơ bản chúng ta đang khống chế được dịch Covid-19. Số ca lây nhiễm là những người nhập cảnh từ nước ngoài về đều đã được cách ly. Phải nói rằng chúng ta đã rất chủ động trong phòng chống Covid-19, nhưng tình hình thế giới vẫn rất phức tạp khi hiện nay số ca mắc mới và số người chết vẫn tiếp tục tăng. Đây chính là nguy cơ mà chúng ta không thể dự báo trước được dịch có thể chấm dứt hay không, có tiếp tục lan truyền nữa hay không?

Thực tế, chúng ta vừa trải qua đại dịch và bị tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội, sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, nhiều người dân gặp phải hoàn cảnh hết sức khó khăn, chưa kể còn vấn đề lũ lụt, biến đổi khí hậu. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang phải tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề này. Do đó, điều kiện vật chất, ngân sách chắc chắn khó khăn là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, quyết tâm chính trị của chúng ta là sẽ cân đối nguồn lực, tính toán ngân sách chi sao cho hợp lý, nói cách khác là sử dụng ngân sách Nhà nước có hiệu quả. Trong đó, phải làm sao để ngân sách chủ yếu tập trung vào những công trình trọng điểm, ưu tiên trước.

Tôi cũng nghĩ rằng, có lẽ chúng ta không thể đầu tư theo cách xếp hàng ngang được mà phải đi theo hàng dọc, lấy hiệu quả đầu tư làm thước đo để xác định đầu tư vào đâu, như thế nào, đầu tư bao nhiêu cho có hiệu quả để tạo được sự phát triển và chuẩn bị nguồn lực cho cải cách tiền lương, từ đó nâng cao đời sống nhân dân.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo an sinh xã hội, đây là mục tiêu rất quan trọng.

Cho nên, hiện nay Chính phủ đang kêu gọi cả nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu và vừa tăng trưởng kinh tế. Làm được như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện và nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.