Lợi dụng “mác” cán bộ để lừa bán dự án, chiếm đoạt 80 tỷ đồng
Ngày 9/9, TAND TP Hà Nội xử phạt bị cáo Nguyễn Sỹ Tá (SN 1972, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Tòa án nhận định bị cáo có hành vi gian dối để chiếm đoạt của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, số tiền 80 tỷ đồng, thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo lợi dụng danh nghĩa cán bộ, gây ảnh hưởng đến uy tín cán bộ Nhà nước. Quá trình truy tố, xét xử, bị cáo không thành khẩn, luôn quanh co chối tội.
Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng cần cách ly bị cáo và tuyên phạt mức án chung thân.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo đã trả lại cho ông Đỗ Anh Dũng số tiền 33 tỷ đồng. Tòa buộc bị cáo và những người có liên quan phải hoàn trả nốt số tiền còn lại. Đồng thời quyết định tiếp tục tạm giữ các tài sản để đảm bảo thi hành án.
Trước đó, tại phần đề nghị mức án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Tá mức án 20 năm tù. Đại diện Viện kiểm sát đánh giá vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo chưa thành khẩn, thay đổi lời khai, do đó không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.
Tại phiên tòa, bị cáo Tá cho rằng số tiền 80 tỷ đồng là tiền thưởng môi giới khi đã kết nối ông chủ Tân Hoàng Minh và Công ty Đức Anh để mua bán dự án.
Cáo trạng thể hiện, cuối năm 2018, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư A. có 3 cổ đông và là chủ đầu tư dự án Đảo Núi Cuống (Quảng Ninh). Doanh nghiệp muốn bán dự án trên nên nhờ Tá tìm đối tác.
Năm 2019, bà Đinh Thị Hải Y.- Chủ tịch HĐQT Công ty A. ký quyết định ủy quyền cho Tá “thay mặt công ty giao dịch với đối tác…”.
Do có quen biết với ông Dũng nên tháng 12/2018, Tá mang theo quyển quy hoạch địa điểm Đảo Núi Cuống đến Công ty Tân Hoàng Minh gặp ông Dũng. Quá trình trao đổi, Tá giới thiệu dự án, nói Công ty A. là của mình nhưng bản thân là cán bộ nhà nước nên phải nhờ người khác đứng tên.
Tin tưởng thông tin trên, ông Dũng đồng ý mua lại dự án, thống nhất giá chuyển nhượng là 400 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận đặt cọc trước 20% giá trị chuyển nhượng, tương đương 80 tỷ đồng. Ngoài ra, Tá yêu cầu phải giữ bí mật giao dịch với lý do để “xin thêm diện tích xây dựng sau này”. Số tiền 320 tỷ đồng còn lại, Tá sẽ chỉ đạo ghi trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Ông Dũng đồng ý và chỉ đạo nhân viên chuẩn bị thỏa thuận đặt cọc cùng hồ sơ pháp lý.
Quá trình làm việc giữa hai bên, ngày 10/1/2019, Tá gửi một số tài liệu trong đó có quyết định ủy quyền của công ty. Trưa cùng ngày, hai bên đã ký thỏa thuận đặt cọc. Sau khi ký kết xong, Tá nhận 80 tỷ đồng và ký giấy biên nhận về việc thanh toán tiền đặt cọc.
Trong ngày 11/1/2019, Tá còn yêu cầu cổ đông Công ty A. viết cam kết trích thưởng cho Tá 20 tỷ đồng khi hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần và nhận đủ tiền thanh toán từ phía đối tác.
Theo hồ sơ, Tá nói ký hợp đồng xong là được thanh toán nên công ty không yêu cầu bên mua đặt cọc tiền.
Quá thời hạn cam kết, Công ty A. không nhận được tiền chuyển nhượng. Ngày 15/2/2019, các cổ đông này có công văn đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 10/1/2019 và quyết định hủy ủy quyền cho Tá.
Cùng thời gian này, qua tìm hiểu, ông Dũng biết dự án trên không được phê duyệt quy hoạch xây dựng du lịch, dịch vụ. Ông Dũng chỉ đạo nhân viên soạn thảo công văn gửi Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh đề nghị nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng dự án du lịch biển đảo, đô thị sinh thái…
Ngày 30/7/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có thông báo “không xem xét chấp thuận địa điểm nghiên cứu…”, lý do là ”chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”.
Đến giữa tháng 3/2019, khi làm việc với Công ty A. về việc gia hạn thời hạn thanh toán hợp đồng thì ông Dũng “vỡ lẽ” công ty trên không phải của Tá.
Tá nhận 80 tỷ đồng tiền đặt cọc nhưng không thông báo, không chuyển số tiền này về công ty. Do đó, công ty không làm thủ tục thay đổi cổ đông.
Vì vậy, ông Dũng đã chỉ đạo nhân viên soạn thảo hợp đồng mới để ký kết và đặt cọc tiền cho chủ sở hữu của dự án. Đồng thời ông Dũng cũng yêu cầu Tá trả lại tiền.