Lợi nhuận quý 3 quay đầu giảm, cổ phiếu thép còn hấp dẫn?
Mặc dù được hỗ trợ ở mảng xuất khẩu song sản lượng tiêu thụ thép vẫn ở mức yếu dẫn đến lợi nhuận quý 3 dù tăng trưởng so với cùng kỳ song lại sụt giảm đáng kể so với quý 2/2021...
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp ngành thép công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Mặc dù được hỗ trợ ở mảng xuất khẩu song sản lượng tiêu thụ thép vẫn ở mức yếu dẫn đến lợi nhuận quý 3 dù tăng trưởng so với cùng kỳ song lại sụt giảm đáng kể so với quý 2/2021.
LỢI NHUẬN QUÝ 3 GIẢM MẠNH SO VỚI QUÝ LIỀN KỀ
Cụ thể, tại Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), quý 3/2021, doanh thu thuần của TLH đạt 910 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 46% so với quý 2/2021.
Tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3/2021 ghi nhận 3.084 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với quý 2/2020. Giá vốn hàng bán tăng mạnh, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao dẫn đến quý 3 TIS lãi thuần 19 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, TIS báo lãi sau thuế 9,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm ngoái 414 triệu đồng. Tuy vậy, so với quý liền kề trước đó, lợi nhuận TIS giảm mạnh, quý 2/2021 TIS lãi 65,6 tỷ đồng.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của SMC quý 3/2021 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 4.141 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng trong quý 3, tăng mạnh so với con số 99,9 tỷ đồng quý 3/2020, tuy vậy, giảm đáng kể so với con số 532 tỷ đồng của quý 2/2021.
Thậm chí, tại Thép Thủ Đức, doanh nghiệp này còn lỗ đến 643 triệu đồng trong quý 3/2021 trong khi năm ngoái lãi 2,1 tỷ đồng và quý liền kề trước đó lãi đến 34 tỷ đồng.
Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 song đối với HPG và HSG, Chứng khoán SSI cũng đã có dự báo về lợi nhuận hai doanh nghiệp đầu ngành tôn mạ thép này. Cụ thể, SSI ước tính lợi nhuận ròng Q4/2021 năm tài chính tăng 110% lên 950 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng 6,5% và giá bán trung bình tăng 72%. Tuy vậy, con số này đã giảm đáng kể so với quý liền kề trước đó đạt 1.701 tỷ đồng.
Hay tại HPG, SSI ước tính HPG có thể đạt 8,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong Q3/2021, tăng trưởng đáng kể 131% so với cùng kỳ nhờ sản lượng HRC tăng mạnh 167% so với cùng kỳ, đây là mảng có biên lợi nhuận cao nhất trong số các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC tăng gấp đôi cũng giúp biên lợi nhuận của HPG tăng đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đã chững lại so với quý 2/2021 khi HPG báo lãi lên đến 9.745 tỷ đồng.
CỔ PHIẾU THÉP CÒN HẤP DẪN?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm thép duy trì đà tăng trưởng liên tục trong thời gian gần đây bất chấp đà tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong quý 3 do sản xuất thép và tiêu thụ thép chững lại bởi đợt dịch bùng phát lần thứ 4 lại trùng đúng với mùa mưa thông thường là mua tiêu thụ sản lượng thép thấp nhất trong năm.
Tổng hợp từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy, trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt 2,39 triệu tấn, giảm 6,48% so với tháng trước; bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn ngang với mức của tháng 6/2021. Bước sang tháng 8, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu, tiếp tục giảm 1,9% so với tháng 7/2021 và bán hàng thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm 9,4% so với tháng 7 và giảm 8% so với tháng 8/2020. Tháng 9, sản xuất thép tiếp tục giảm 3,97%, bán hàng thép quay đầu tăng 7,4% đạt 2,2 triệu tấn.
Tuy vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép vẫn tăng khá do kế thừa được những kết quả kinh doanh tốt những tháng đầu năm 2021.
Sóng cổ phiếu ngành thép trong tuần gần đây đến từ hai triển vọng chính: Thứ nhất, kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công cứu cánh tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Thứ hai, điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành thép. Việc thiếu hụt nguồn cung thép - xi măng tạm thời từ Trung Quốc do quốc gia này phải dừng sản xuất vì thiếu điện đã mở thêm cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng cả về lượng lẫn giá trị trong những tháng gần đây. Cụ thể, tháng 6/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 1,02 triệu tấn, tăng 4,28% so với tháng trước; Trị giá xuất khẩu đạt hơn 930 triệu USD tăng 11,68% so với tháng 5/2021.
Tháng 7/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 1,148 triệu tấn, tăng 12,38% so với tháng trước;Trị giá xuất khẩu đạt hơn 1.085 tỷ USD tăng 16,77% so với tháng 6/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy vậy, đánh giá về triển vọng thị trường xuất khẩu, FiinPro cho rằng, hoạt động xuất khẩu tích cực là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn của nhóm Tôn mạ HSG, NKG nhưng không đủ tạo ra lợi nhuận đột biến cho HPG trong quý 3 bởi HPG khó có thể duy trì biên EBITDA ở mức cao như Q2/2021 khoảng 35% do giá bán trong nước duy trì ở mức thấp, trong khi giá than cốc của Úc kỳ hạn tháng 10 tăng tới 112% kề từ đầu tháng 7. Giá HRC, một trong những sản phẩm chủ lực của HPG, tăng nhẹ dưới 10%.
Cổ phiếu Thép đang được giao dịch với mức định giá 8,6x P/E trượt 4 quý gần nhất, tiệm cận mức trung bình 10 năm trừ một độ lệch chuẩn (6,16x) và thấp hơn mức trung bình 3 năm (10,7x). Nhiều ý kiến cho rằng đây là vùng giá hấp dẫn, tuy nhiên đối với ngành mang tính chất chu kỳ như Thép, nhất là trong bối cảnh DN đầu ngành (HPG) đang gặp trở ngại ngắn hạn về tăng trưởng lợi nhuận thì mức định giá này đang ở vùng hợp lý và sẽ tùy thuộc liệu lợi nhuận của ngành được duy trì ra sao.
Giới chuyên môn thì nhận định, nếu như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là điểm sáng cho nhóm thép thì rủi ro cũng đến từ thị trường này khi Trung Quốc đã có các biện pháp khiến thị trường bất động sản giảm sút.
Từ tháng 8/2020, Trung Quốc áp đặt quản lý giới hạn cấp tín dụng dựa trên 3 tiêu chi thường được gọi là “3 lằn ranh đỏ”: Nợ phải trả/tài sản < 70% ; Vay nợ/vốn chủ sở hữu < 100%; Tiền mặt/vay ngắn hạn > 1. Giới hạn tăng trưởng tín dụng làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà phát triển bất động sản có sức khỏe tài chính yếu kém và có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép, do đó, xuất khẩu thép sang Trung Quốc chỉ được đánh giá có triển vọng tốt trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư cũng nên lưu ý rằng trạng thái cân bằng cung - cầu các sản phẩm thép có thể sẽ sớm được thiết lập trong năm 2022 khi giới chức Trung Quốc đang đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt điện hiện nay như tăng sản lượng khai thác than nội địa; tăng giá thu mua điện, hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại,… Do đó, về dài hạn, nếu tiêu thụ thép nội địa không tăng trưởng tốt thì doanh thu, lợi nhuận cho năm 2022 khó đạt được tăng trưởng như năm 2021 vì xuất khẩu phần nào sẽ chững lại.