Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức tuyển lao động đi làm việc tại Nhật
Lập công ty, trung tâm đào tạo và tuyển chọn, thu số tiền lớn của người lao động nhưng không đưa đi làm việc tại Nhật Bản như thỏa thuận, nhằm chiếm đoạt tiền của người lao động…
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) vừa cho biết đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản, xảy ra tại TP.HCM.
Theo Hồ sơ vụ án xác định, Nguyễn Việt Vương (Trưởng văn phòng đại diện miền Nam Công ty Cổ phần Atlantic – THP, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM) và Lương Công Quảng (Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (cơ sở 2) thuộc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom, TP. Thủ Đức, TP.HCM) có hành vi tuyển chọn, thu số tiền lớn của người lao động nhưng không đưa đi làm việc tại Nhật Bản như thỏa thuận, nhằm chiếm đoạt tiền cho cá nhân và đồng phạm.
Tháng 10/2014, Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (gọi tắt là Trung tâm) cơ sở 2 được thành lập với ngành nghề: Tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc nước ngoài; tư vấn cho học sinh, sinh viên có nhu cầu đi du học ở nước ngoài. Sau 1 năm thành lập, Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng, mở lớp đào tạo tiếng Nhật cho hơn 90 người lao động, thu của họ hơn 5,6 tỷ đồng và 111.100 USD.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị, cá nhân nào bị Nguyễn Việt Vương và Lương Công Quảng tổ chức tuyển chọn, thu tiền nhưng không đưa đi làm việc tại Nhật Bản như thỏa thuận, đề nghị đến cơ quan Cảnh sát điều tra tại địa chỉ số 674 đường 3 tháng 2, phường 14, quận 10, điện thoại 0693187791, 0924971506 để tố giác tội phạm, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động đang có dấu hiệu gia tăng. Các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã tự lập website, đăng thông tin tuyển dụng như: www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu.
Các website được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Romania, Ba Lan, Australia, New Zealand, Philippines, Cộng hòa Liên bang Đức, Hy Lạp… để lừa đảo người lao động.
Tuy nhiên, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, các doanh nghiệp này không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và còn sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động.
Đặc biệt, thông tin về đơn hàng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa điểm người lao động đến làm việc, thông tin về giấy phép, hoặc website sử dụng để đăng tải thông tin lừa đảo thường gần giống với website chính thức mà doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền và đưa ra khuyến cáo, nhưng các hình thức lừa đảo vẫn xuất hiện, nhắm vào tâm lý nôn nóng, muốn đi làm việc nhanh mà không phải qua đào tạo. Nắm bắt tâm lý "ngại học" của người lao động nên các đối tượng lừa đảo đã đưa ra nhiều hứa hẹn về thủ tục nhanh gọn, "việc nhẹ, lương cao",…
Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ rõ hành vi trên và khi người lao động chuyển tiền, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước công dân và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác… và khi bị phát hiện thì cắt đứt liên lạc với nạn nhân.
"Do đó, tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, trang Facebook, Zalo không chính thống và không giao dịch liên hệ với các tổ chức cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép tại Trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại www.dolab.gov.vn“, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.