13:06 11/06/2021

Lùi thời hạn xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải chưa lắp đặt camera

Anh Tú

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị lùi thời gian xử lý vi phạm đối với xe chưa lắp đặt camera giám sát. Cụ thể, lùi 1 năm với xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, lùi 6 tháng với ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bắng container, xe đầu kéo...

 Các đối tượng phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10.
Các đối tượng phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn số 3801/TCĐBVN – VT gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cụ thể, đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo chưa thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Trong thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam liên tục nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội vận tải ô tô tại một số địa phương về giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5/2021, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 103.000 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Riêng khối lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 265.000 nghìn lượt, giảm 15,1% so với tháng 4/2021.

Cụ thể, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay, hàng loạt phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trực tiếp khiến sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4/2021.

Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này. Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá ít bị ảnh hưởng hơn và vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư số 74/2020/TT-BTC ngày 10/8/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách đến hết ngày 31/12/2021.

Triển khai quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải theo đúng lộ trình quy định.

Gần đây, Hiệp hội và các doanh nghiệp vận tải đều không ít lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ lùi thời hạn thực thi quyết định này thêm một năm, sang 1/7/2022 để doanh nghiệp có thêm thời gian hồi phục. Nhưng những đề xuất này đều bị bác bỏ. 

 Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội giãi bày "những văn bản phản hồi vẫn yêu cầu thực hiện nghiêm theo Nghị định của Chính phủ, tức là, vô tâm quá. Đáng lẽ đau thương phải được chia sẻ bằng cách này hay cách khác, lại chia sẻ bằng cách cứ thực hiện. Nếu không thực hiện, sẽ bị xử phạt”.

 

Theo Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 100/2019 ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định đối với loại xe có quy định phải lắp camera; hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng phù hiệu từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.