10:34 14/06/2022

Lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cần làm gì?

Phúc Minh

Khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022, dẫn đến doanh nghiệp sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh để phù hợp với quy định của pháp luật. 

Tăng lương cho người lao động đang nhận lương tối thiểu vùng

Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, từ ngày 1/7, khi lương tối thiểu vùng tăng, doanh nghiệp cũng phải tăng lương cho những người lao động đang nhận lương theo lương tối thiểu vùng. Mức lương sau khi tăng không được thấp hơn mức lương quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, cụ thể vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Nếu trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau: Từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 - 10 người lao động; từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động; từ 50.000.000 - 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.

Có thể tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng

Theo hướng dẫn tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, hằng tháng người sử dụng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo các tỷ lệ nhất định được tính dựa trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6% từ ngày 1/7/2022, dẫn đến tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng có sự điều chỉnh. Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nếu doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1/7/2022, số tiền hằng tháng mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại bảo hiểm bắt buộc nói trên sẽ tăng thêm so với trước.

Trường hợp đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng, thì số tiền đóng các loại bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp không cần điều chỉnh tăng.

Có thể tăng tiền đóng kinh phí công đoàn

Theo Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp được xác định theo công thức sau: Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Trong đó, quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, khi mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp tăng, thì tiền nộp kinh phí công đoàn của doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo. Theo đó, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể làm tăng số tiền đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp.

Trước đó, tại Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu
đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 với mức 6% đã tính đến các tác động về việc làm,
thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Theo Bộ này, đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp, phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.