Lưu ý các hướng dẫn mới về chuyển đổi môn học, sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các công văn liên quan đến việc chuyển đổi môn học lựa chọn; phê duyệt danh mục sách giáo khoa...
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.
Tiếp theo Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023, trước tình hình thực tế hiện nay đối với năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông.
Cụ thể, việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng. Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường.
Học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 sử dụng trong các nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng cho năm học 2023 - 2024.
Theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học tới, học sinh lớp 4, lớp 8, lớp 11 sẽ thay sách giáo khoa mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 44 đầu sách giáo khoa lớp 4 của các đơn vị như: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản ĐH Sư phạm; Nhà xuất bản ĐH Vinh; Nhà xuất bản ĐH Huế, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TPHCM…
50 đầu sách giáo khoa lớp 11 của các đơn vị biên soạn gồm: Công ty VEPIC (đơn vị liên kết: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh); Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm… Trong đó, VEPIC có tới 30/50 đầu sách giáo khoa lớp 11 thuộc danh mục được phê duyệt.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục sách mới, các địa phương sẽ thành lập hội đồng để lựa chọn các đầu sách. Hội đồng gồm 15 thành viên, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy các môn học. Nhiệm vụ của hội đồng là đề xuất danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục với UBND cấp tỉnh/thành phố.
Về quy trình, tổ chuyên môn ở các trường sẽ tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận sách và bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 sách giáo khoa cho 1 môn học sau đó trường báo cáo về các phòng Giáo dục và Đào tạo và sở Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi có danh sách đề xuất của tất cả các trường, hội đồng sẽ giao cho các thành viên nghiên cứu ít nhất 7 ngày trước phiên họp và tổ chức thảo luận sau đó bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc 1 số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Căn cứ kết quả lựa chọn sách của hội đồng, UBND tỉnh/thành phố sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các nhà trường tại địa phương.