09:18 06/02/2025

Lý do gia tăng bệnh nhân đột quỵ trong dịp Tết?

Hoài Phương

Năm nay, tỷ lệ bệnh lý do tai nạn giao thông và rượu giảm, tuy nhiên bệnh lý tim mạch và hô hấp tăng. Nguyên nhân là thời tiết trở lạnh và bệnh nhân mạn tính không tuân thủ phác đồ điều trị, ăn uống sinh hoạt không điều độ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, ThS. BS Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tình hình bệnh nhân đột quỵ trong dịp Tết và những ngày đầu đi làm có chiều hướng gia tăng đột biến, khoảng 30 - 40% so với ngày thường. Nhiều bệnh nhân vào viện với tình trạng lâm sàng nặng và đa dạng loại rối loạn.

Như bệnh nhân nam 46 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện hôm 29 Tết do liệt nửa người, nói khó, có tiền sử tăng huyết áp song điều trị không thường xuyên. Hôm khởi phát đột quỵ, anh ăn trưa có uống rượu sau đó nói khó, liệt nửa người trái, kết quả chiếu chụp tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não 3 ml. Bệnh có chiều hướng tiến triển nặng, nguy cơ cao xảy ra các rối loạn khác. Sau 5 - 6 ngày điều trị tích cực, hiện cơ lực của anh dần hồi phục.

Đây là một trong 566 ca đột quỵ mà Trung tâm tiếp nhận trong dịp nghỉ Tết, chiếm 15% tổng số ca khám và cấp cứu của viện. Nguyên nhân người bệnh đột quỵ tăng đột biến là do gần Tết, người bệnh ngại đi khám lại, uống đơn cũ hoặc tự ý dừng thuốc đợi sau Tết khám lại, thiếu tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến nguy cơ cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh nền. "Trong Tết ăn uống sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn đồ chiên rán và rượu bia là những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ", bác sĩ Minh Anh nói thêm.

Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 566 ca đột quỵ trong 9 ngày nghỉ Tết.
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 566 ca đột quỵ trong 9 ngày nghỉ Tết.

Đáng lưu ý, số lượng người bệnh dưới 50 tuổi tới cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai chiếm đến 45%. Nguyên nhân chủ yếu do người trẻ chủ quan, thiếu sự thăm khám sức khỏe định kỳ và thường không nghĩ mình có thể mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Mặt khác, do thói quen sinh hoạt của người trẻ thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán…

Theo các chuyên gia, rượu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của con người, đặc biệt là đối với hệ tim mạch và thần kinh trung ương. Việc tiêu thụ rượu, dù ở mức độ thấp hay cao, đều có mối liên hệ phức tạp với nguy cơ đột quỵ. Uống rượu, đặc biệt là uống nhiều rượu trong thời gian ngắn, có thể gây tăng huyết áp đột ngột và kéo dài. Đây là yếu tố nguy cơ chính cho cả đột quỵ thiếu máu não và xuất huyết não.

Một bài viết được đăng trên Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ (NLM) đã báo cáo rằng rượu đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy rung nhĩ ở 35% đến 62% các trường hợp, đặc biệt là 12 đến 36 giờ sau khi ngừng uống rượu. Rung nhĩ là tình trạng tâm nhĩ không co bóp đồng bộ, khiến cho máu không thể được bơm đi như bình thường làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong tâm nhĩ. Huyết khối sau đó theo tuần hoàn đến não gây ra đột quỵ.

Đồng tình với các yếu tố nguy cơ trên, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khuyến cáo thêm rằng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh có thể cao hơn 20 - 30% so với bình thường. Như tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, dịp Tết hàng năm lượng bệnh nhân đột quỵ thường tăng khoảng 30 - 35%.

Ăn uống sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn đồ chiên rán và rượu bia là những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ.
Ăn uống sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn đồ chiên rán và rượu bia là những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ.

"Dịp Tết, các tỉnh phía Bắc và miền Trung lạnh trong khi miền Nam ngày nóng đêm lạnh thất thường dễ làm tăng nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Minh Đức nói, giải thích trời lạnh khiến mạch máu co lại, máu đặc quánh hơn, dễ hình thành cục máu đông, giảm lưu lượng máu về tim và não. Đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm, nhất là khoảng 6 - 7h. Người bệnh nền cũng thường chủ quan, quên không dùng thuốc hay do kiêng cữ đầu năm không uống thuốc. Số khác tham gia tiệc tùng khuya, mất ngủ, căng thẳng, làm trầm trọng thêm bệnh nền.

Trong khi đó, bác sĩ Bùi Châu Tuệ, khoa nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhận định trong mùa Tết, thói quen sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Đó cũng chính là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến việc gia tăng các triệu chứng bất lợi, trong đó phải kể đến đột quỵ. Chẳng hạn, người dân thường sẽ có khuynh hướng ăn những món ăn chế biến sẵn làm tăng lượng muối sử dụng như dưa muối, thịt kho, tôm khô, thịt muối… Điều này có thể làm tăng huyết áp và là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ rất cao.

Thời điểm Tết đến xuân về, thói quen sinh hoạt trong ngày lễ cũng bị đảo lộn, nhiều người thường thức khuya, dậy trễ. Di chuyển xa hoặc tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi, du lịch ngày Tết có thể làm đảo lộn chế độ sinh hoạt, vận động, ngủ nghỉ của nhiều người. Mất ngủ, thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ làm tăng huyết áp, đau đầu, làm tăng nguy cơ. Ngồi lâu trên máy bay, ôtô làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ...

Để phòng ngừa, bác sĩ Minh Đức khuyến cáo mọi người duy trì thói quen ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, cũng như không ăn quá nhiều. Nên cân bằng các nhóm dưỡng chất, bổ sung rau xanh và trái cây tươi giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ đột quỵ. Người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, người từng đột quỵ nên áp dụng chế độ ăn kiêng theo chỉ định của bác sĩ.

Ai cũng có nguy cơ đột quỵ nhưng nguy cơ cao hơn ở người cao tuổi, đang mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch...
Ai cũng có nguy cơ đột quỵ nhưng nguy cơ cao hơn ở người cao tuổi, đang mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch...

Người mắc bệnh nền nên tái khám đúng hẹn và tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngay trước Tết, người thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, mắc bệnh nền, từng đột quỵ nên khám sức khỏe, tầm soát đột quỵ. Người trên 60 tuổi, người trong gia đình có nhiều người bị đột quỵ trước 40 tuổi nếu chưa có bệnh nền cũng nên đi tầm soát đột quỵ. Các kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, chủ động kiểm soát bệnh nền, hỗ trợ phòng ngừa, giảm nguy cơ đột quỵ.

Người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như đột ngột miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, khó nói, đau đầu dữ dội, mờ mắt... cần được đưa đến bệnh viện có chuyên môn sâu cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Người bệnh đột quỵ không được cấp cứu kịp thời có thể bị di chứng khiếm khuyết chức năng thần kinh, hoặc thậm chí tử vong.