Đã đến lúc ngừng coi cúm mùa là “cảm vặt”
Sáng 3/2, truyền thông Trung Quốc đưa tin nữ diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên qua đời đột ngột tại Nhật Bản. Thông tin ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí trở thành chủ đề được tìm kiếm số một tại nhiều quốc gia châu Á…
Gia đình Từ Hy Viên xác nhận cô đã qua đời ở tuổi 49 do bệnh viêm phổi và cúm mùa. Trước khi mất, ngày 25/1, nữ diễn viên nổi tiếng vẫn xuất hiện khỏe mạnh và tươi cười bên đồng nghiệp, không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 10 ngày, cô đã ra đi đột ngột, làm dấy lên lo ngại về sự nguy hiểm của căn bệnh mà nhiều người vẫn coi là "cảm vặt".
Hồi đầu tháng 1, số liệu thống kê của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản cho thấy lượng bệnh nhân mắc cúm mùa tại Nhật Bản trung bình một tuần đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1999, trong đó xuất hiện những biến chứng đáng lo ngại liên quan đến não và phổi.
Trong đó Bệnh viện Shizuoka đã phát hiện một số trường hợp nhập viện với các triệu chứng bệnh liên quan đến não hoặc viêm phổi sau khi mắc cúm, thậm chí đã có ca tử vong ở trẻ em. Tại các trung tâm đô thị lớn như Tokyo, Osaka và Hokkaido, số ca mắc đã tăng gấp đôi trong vòng một tuần. Tỉnh Nara ghi nhận mức tăng cao nhất, với số ca chẩn đoán tăng gần 300%.
Theo Sina, bệnh nhân cúm tại Nhật dù phân bố ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn đều trên 60 tuổi, chiếm khoảng 70%. Phân loại cúm trong 5 tuần qua: Cúm A H1N1 chiếm 93%, H3N2 chiếm 6% và cúm B chiếm 2%. Một số chuyên gia Nhật Bản cảnh báo có thể xuất hiện một làn sóng dịch cúm B khác trong tương lai. Để ứng phó với những tình huống này, Hiệp hội Y khoa Nhật Bản không chỉ yêu cầu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đảm bảo số lượng thuốc cung cấp cho các cơ sở y tế khi dịch bệnh lây lan.
Theo BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa không đơn thuần là bệnh "cảm vặt" như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh có thể gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim hoặc nhiễm trùng huyết, đặc biệt ở người có bệnh nền. "Mỗi năm, cúm mùa cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng trên thế giới. Những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, hay phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn nhiều lần", BS Thiệu cảnh báo.
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Virus cúm có 4 chủng chính: A, B, C và D. Cúm A và B thường gặp ở người, trong khi cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng. Cúm D ảnh hưởng chủ yếu đến gia súc và không gây bệnh ở người. Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm: đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp...
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, nhiều người thường nhầm lẫn bệnh cúm với cảm lạnh nặng vì các triệu chứng cúm khá giống cảm lạnh. Khi bị cúm, bạn có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi, khàn giọng và đau họng. Nhưng cúm có thể tiến triển thành các tình trạng như viêm phổi hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề mãn tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và suy tim sung huyết, có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng.
Cúm có thể trực tiếp dẫn đến tử vong khi virus gây ra tình trạng viêm nghiêm trọng ở phổi. Khi điều này xảy ra, nó có thể gây suy hô hấp nhanh chóng vì phổi của bạn không thể vận chuyển đủ oxy đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Cúm cũng có thể khiến não, tim hoặc cơ của bạn bị viêm. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, một tình trạng cấp cứu có thể gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Nếu bạn bị nhiễm trùng thứ phát trong khi bị cúm, điều đó cũng có thể khiến các cơ quan của bạn bị suy. Vi khuẩn từ nhiễm trùng đó có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết…
Theo BS Thiệu, người dân cần đặc biệt chú ý đến những triệu chứng báo hiệu biến chứng nguy hiểm, như: Khó thở hoặc thở nhanh; Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay đổi màu; Lơ mơ, mất tỉnh táo, hoặc hạ thân nhiệt bất thường (dưới 36⁰C); Đau ngực, huyết áp tụt; Không ăn uống được, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng)…
Để tránh những tình huống đáng tiếc, BS Thiệu khuyến nghị người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm. Đây là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nặng. Ngoài ra nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để tránh lây nhiễm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng lưu ý có 2 loại thuốc người dân không tự ý dùng khi bị bệnh cúm vì dễ gây biến chứng. Đầu tiên, hiện nay nhiều người thấy có dấu hiệu mắc bệnh cúm là ra hiệu thuốc hoặc đặt mua Tamiflu về uống. Tuy nhiên, theo bác sỹ, khi có dấu hiệu mắc bệnh cúm thì chúng ta cần đi khám, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán, cho làm xét nghiệm, kết luận và chỉ định dùng thuốc kháng virus là Tamiflu, lúc đó mới đi mua và dùng.
Việc tự ý dùng loại thuốc này khi chưa xác định chính xác có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Sau này khi mắc cúm, bệnh nặng hơn thì không thể dùng Tamiflu để điều trị. Chưa kể, Tamiflu chỉ có tác dụng diệt trừ một số chủng cúm nhất định, trong khi cúm có hàng trăm chủng khác nhau. Với những người có bệnh lý nền, khỏe mạnh, khi mắc cúm với triệu chứng nhẹ, việc dùng Tamiflu cũng không cần thiết.
Cùng với đó, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh. Mỗi loại thuốc kháng sinh sẽ có tác dụng diệt trừ một hoặc một số vi khuẩn nhất định, nhưng cúm là bệnh do virus gây ra. Trong một số trường hợp, người mắc bệnh cúm được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh là do tùy vào tình trạng bệnh, chẳng hạn như bị thêm vi khuẩn xâm nhập. Do đó, nếu xuất hiện dấu hiệu của bệnh cúm, người dân nên đi kiểm tra để biết chính xác mình mắc tình trạng gì. Sau đó, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc gì, dùng với liều lượng ra sao.
Trong mùa Đông – Xuân, bệnh cúm mùa có xu hướng lan rộng, việc nâng cao sức đề kháng là biện pháp bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Cam, chanh, bưởi… là thực phẩm chống cảm cúm hàng đầu. Vitamin C trong trái cây có khả năng chống oxy hóa và kháng viêm rất tốt. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, người dân nên thêm hành, tỏi như một loại gia vị. Các loại đậu cũng cung cấp carbohydrate, các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất và chất chống ôxy hóa có thể giúp tăng cường sức đề kháng tốt cho cơ thể. Có thể ninh đậu, đỗ thành chè hoặc chế biến thành nước giải khát rất tốt.
Vitamin C cũng có trong dâu tây, bông cải xanh, ớt chuông… Đặc biệt khoai lang là loại thực phẩm chống cảm cúm rất tốt và dễ tìm ở nước ta nhờ hàm lượng vitamin C rất cao nhưng lại không có vị chua khó chịu như những thực phẩm khác. Cà rốt, bí đỏ, và khoai lang chứa nhiều beta-carotene, hỗ trợ hệ miễn dịch và bảo vệ tế bào giúp phòng ngừa cúm. Cá hồi, cá thu cung cấp omega-3, giúp giảm viêm và tăng cường hệ miễn dịch...