Make in Việt Nam dưới góc nhìn của các CEO công nghệ
Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới
Make In Viet Nam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới. Hay chuyện kỹ sư Việt đang giữ vị trí cấp cao tại Microsoft AI trở về nước và xây dựng AI trong y tế…
Những câu chuyện thú vị của các CEO công nghệ với khát vọng làm chủ công nghệ, chủ động để sáng tạo ra các giải pháp mới, thiết kế sản phẩm mới chứa hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam… được chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội.
NGƯỜI VIỆT CẦN LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group (đơn vị sở hữu hãng xe công nghệ Be) cho rằng, công nghệ số xoá đi khoảng cách giữa những lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp, công nghệ số tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn. Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mang đến những giá trị trước mắt, nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà.
"Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới", bà Phương nêu quan điểm.
Theo bà Phương, ứng dụng gọi xe Be hiện sở hữu 30% thị phần tại Việt Nam. Be đang mong muốn xây dựng một mạng lưới với vận chuyển, logistics, giao thông, tài chính thanh toán, du lịch, hệ sinh thái này đảm bảo tính hoàn thiện cho khách hàng khi không phải sử dụng thêm nhiều các ứng dụng khác. Vị CEO Be Group cũng cho rằng, các star-up là những mầm cây, khi bước ra khởi vườn ươm, chúng tôi mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ và khách hàng.
Ông Phạm Kim Hùng, Founder & CEO của Base.vn kể Base.vn thành lập vào 4 năm trước, khi là một công ty non trẻ, các giải pháp do họ phát triển bị từ chối bởi 100% khách hàng. "Nhưng chúng tôi có một niềm tin rằng công nghệ, phần mềm sẽ là tương lai của thế giới, và một sản phẩm tốt nhất định sẽ có ngày được đón nhận. Chính điều này đã giúp Base.vn có được chỗ đứng trên thị trường và hiện phục vụ 5.000 công ty lớn trong và ngoài nước", vị này chia sẻ.
Theo ông Kim Hùng, Make In Viet Nam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. Nếu không đảm bảo chất lượng sẽ công thể cạnh tranh một cách lâu dài. Các sản phẩm chuyển đổi số được tạo ra phải có chất lượng tốt nhất. Đồng thời Make in Viet Nam là sự kế thừa, đây không chỉ là tinh thần mà còn thôi thúc để các công ty kiến tạo các sản phẩm tốt hơn để Việt Nam và thế giới sử dụng.
Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty VinBrain – người rời bỏ vị trí cấp cao tại Microsoft AI về Việt Nam sau 36 năm sống và làm việc tại nước ngoài, trở về Việt Nam để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế - được kể trong một câu chuyện khá xúc cảm.
Ông cho biết trong thời gian về Việt Nam chăm sóc mẹ do bị đột quỵ, nhận thấy nỗi khổ của các bệnh nhân phải xếp hàng trong bệnh viện từ 3-4h sáng để đợi khám bệnh. Ông cái nhìn rõ hơn tương lai và sứ mệnh của mình. Thay vì là một người Việt Nam hợp tác với các kỹ sư nước ngoài để thay đổi thế giới, ông trở về nước và xây dựng AI trong y tế.
Theo ông, tại Việt Nam, những thách thức cho AI trong y tế là dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền, kiến thức của các bác sĩ thiếu đồng bộ do sự khác biệt trong môi trường đào tạo và kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, Covid-19 đã phản ánh một cách đặc biệt về Việt Nam với một đội ngũ bác sĩ giỏi và Chính phủ phản ứng tốt.
"AI sẽ không hoàn hảo nên cần sự phát triển thí điểm đánh giá và kết hợp trí tuệ với các doanh nghiệp hàng đầu. Dự án AI luôn cần sự hẫu thuẫn của Chính phủ, bộ, ban ngành trong chế tài về phát triển công nghệ", vị đại diện VinBrain nói.
VÀ CÂU CHUYỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA DOANH NGHIỆP LỚN
"Cách đây 20 năm, tập đoàn FPT lúc đó đứng trước nhiều khó khăn đã quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Tuy nhiên những công ty mở cửa tại Silicon Valley (Mỹ) đều phải đóng cửa vì không tạo ra doanh thu. Nhiều năm sau công ty đầu tiên của FPT mở tại Nhật Bản mới có lãi.
Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT kể và cho rằng, khát vọng làm chủ và sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới đi cùng FPT suốt 20 năm qua.
Và ông Bình khẳng định Việt Nam đã có tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
Với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), ông Nguyễn Thanh Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, chia sẻ, hơn 30 năm, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989, đến nay, Viettel là tập đoàn Công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Trong dịch Covid-19, doanh số không tăng trưởng âm, tỉ trọng đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực chuyển đổi số, các ứng dụng trong nước và 10 thị trường nước ngoài đã bù đắp cho doanh thu ảnh hưởng bởi dịch.
Viettel hiện có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.
Để có được thành thành tựu số, ông Nam cho biết, Viettel đã chú trọng đổi mới tổ chức văn hoá và xây dựng nhân tài. Từ năm 2019, tập đoàn tái cơ cấu tổ chức, thành lập các tổng công ty chuyên trách về chuyển đổi số.
Viettel xây dựng văn hoá số với các đặc tính như linh hoạt, sáng tạo, hướng tới khách hàng, tư duy số, văn hoá mở... Tập đoàn chú trọng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Hiện trong lĩnh vực an ninh mạng, trong top 100 cao thủ thế giới có 4 người làm tại Viettel.
"Viettel đồng thời còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ quản trị nội bộ, đồng nhất, thông suốt, áp dụng công nghệ hiện đại với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Viettel số hoá 100% văn bản giấy tờ, giải phóng 50% công việc thủ công, tự động hoá 30-40% các tác vụ", ông Nam nhấn mạnh tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 2 này.
Đại diện đến từ nhà băng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng TPBank, cho biết TPBank – một ngân hàng non trẻ thành lập năm 2008, vì không có sức cạnh tranh với các ngân hàng lớn, lâu đời nên TPBank đã định hướng chuyển đổi số, trở thành ngân hàng công nghệ, ngân hàng số.
Nhờ vậy mà theo ông Hưng, TPBank từ vị trí đứng thứ 42 trong số các ngân hàng thương mại Việt Nam đã vươn lên là 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng, với tổng tài sản hơn 200 nghìn tỷ, bình quân tăng trưởng 30-40% mỗi năm, nhưng số nhân sự chỉ tăng 4-5%, vì các lao động giản đơn được thay thế bằng công nghệ.