15:55 22/12/2015

Mẹ vs Người giúp việc

PV

Mẹ vs Người giúp việc - Ảnh 1

Năm ngoái khi chị Mai Anh (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), 36 tuổi, chuẩn bị sinh đứa con thứ hai, chị đã thuê một người giúp việc để chăm sóc cho đứa con gái đầu lòng của mình lúc đó mới 2 tuổi. Hơn nửa năm sau, chị để ý thấy con gái mình học nói khá nhanh. Nhưng điều đáng buồn là cháu nói theo giọng địa phương. Một phút lơ là của mẹ Chị Mai Anh đã kết thúc ngay hợp đồng với người giúp việc sau đó ít lâu. Chị chia sẻ: “Trong khi tôi đang mang bầu ở những tháng cuối, cô giúp việc phụ trách toàn bộ các nhiệm vụ chăm sóc cho bé lớn như tắm và cho cháu ăn, mà thật sự đây là những hoạt động quan trọng để gây dựng tình cảm khăng khít. Là cha mẹ, tôi muốn nghĩ rằng mình đã đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của con, hoặc đã khắc sâu cho con những giá trị cần thiết. Con tôi nên nhận mọi sự giúp đỡ từ tôi, chứ không phải từ một người nào đó khác.” Tuy nhiên, nhiều bà mẹ khác lại cho rằng họ “lực bất tòng tâm”. Họ cũng muốn giành nhiều thời gian cho con, muốn tự tay mình chăm sóc cho con chứ không phải ai khác, nhưng một núi công việc chờ họ ở cơ quan và khi về đến nhà thì những bà mẹ trẻ này đã mệt nhoài. Vì thế, “cuộc đấu tranh quyền lực” như thế này là mối quan tâm thực sự đối với tất cả những gia đình nuôi người giúp việc. Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay, cứ mỗi 6 gia đình lại có 1 gia đình đang thuê người giúp việc. Quả thực, với những người mẹ tiếp tục đi làm sau khi sinh con, thì việc vừa đảm đương “việc nước” vừa quán xuyến hết việc nhà trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Để giữ gìn địa vị, công việc của mình, nhiều bậc phụ huynh – ý thức hay vô tình – rốt cục đã giao phó trách nhiệm làm cha mẹ của mình cho người giúp việc. Theo bà Margaret Crawford, chuyên gia giáo dục mầm non đến từ trường Maple Bear, “sự thân thiết sinh ra nhờ khoảng thời gian ở bên nhau. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người giúp việc và con bạn dính chặt lấy nhau, bởi vì họ có nhiều thời gian ở bên nhau – trong khi bố mẹ thì đi làm, về nhà muộn hay thậm chí khi có ở nhà cũng dành rất ít thời gian chơi với con. Một khi người giúp việc của bạn đảm đương trách nhiệm làm cha mẹ của bạn, thì điều hoàn toàn hiển nhiên là con bạn sẽ luôn bám theo là bắt chước những gì cô ấy làm. Chúng ta buộc phải nhớ rằng con trẻ sẽ không làm điều mà chúng ta bảo cháu làm, mà cháu sẽ làm những gì bạn làm và cháu nhìn thấy.” Mẹ vẫn là mẹ Chị Linh Lan (Trần Nhật Duật, Hà Nội), 35 tuổi, làm ở công ty du lịch, có hai con 7 tuổi và 3 tuổi. Mặc dù công việc yêu cầu chị phải đi nước ngoài thường xuyên, chị nói chị vẫn không hề cảm thấy mình mất các con vào tay người giúp việc.“Công việc chính của người giúp việc ở nhà tôi là nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Tôi luôn đặt ra mục tiêu là dành thời gian ở bên các con nhiều hết sức có thể. Ví dụ tôi đưa con trai lớn của mình đi học hàng sáng trước khi đi làm, đưa các cháu vào giường ngủ mỗi tối, và mỗi tuần gia đình tôi đều đi bơi.” Kinh nghiệm của chị Linh Lan mỗi khi đi công tác là: “Bạn có thể chỉ dẫn cho người giúp việc những gì cần làm và những gì bạn muốn cho các con của mình. Bạn có thể lập ra một danh sách và dán nó ở đâu đó, để mọi người có thể đọc và thậm chí con bạn cũng biết đó là những lời mẹ dặn để cô giúp việc có thể chăm sóc chúng cho tốt. Các con tôi đều thân thiết với người giúp việc nhưng chúng vẫn hiểu người giúp việc không phải là Bố hay Mẹ, nên các cháu không dính lấy cô ấy.” Trong khi đó, chị Mỹ Như (Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM), 31 tuổi lại có một quan điểm khá thoáng khi thấy con gái mình đòi ngủ đêm cùng với người giúp việc. “Chúng ta không nên cứ cho rằng con mình sẽ nhầm lẫn người giúp việc với mẹ. Từ khi còn bé, các cháu đã biết ai là mẹ của mình. Cho nên sự thân thiết với người giúp việc có thể chỉ là một giai đoạn của quá trình phát triển, và có lẽ chúng ta đang lo lắng không đâu.” Có lẽ chị Mỹ Như nói đúng, nếu như xét dựa trên những lời nói của cô con gái 5 tuổi chị: “Con yêu cô giúp việc, nhưng con biết cô ấy sẽ về quê khi con vào lớp 1. Dù có cô giúp việc ở nhà, con vẫn muốn mẹ về nhà sớm để chơi với con.” Khăng khít để tinh mẹ con bền chặt Chúng ta luôn quên rằng người giúp việc giúp chúng ta những công việc vặt trong nhà là để chúng ta có thời gian hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ. Vì thế, dù bạn bận đến mấy, dù người giúp việc nhà bạn có làm tốt công việc đến mấy, đừng quên thể hiện sự quan tâm của mình đến con cái. Hãy bắt đầu với những điều sau: Hiểu con và thế giới của con: Hãy tìm hiểu những hoạt động ưa thích của con và cùng làm với con. Nếu có thể, hãy học cách nấu 1 - 2 món ăn mà con thích, hay thậm chí nhờ con cùng lên thực đơn cho bữa tối để rồi “cô giúp việc sẽ giúp 2 mẹ con mình nấu bữa tối này nhé”. Thấu hiểu những cảm nhận của con: Nếu người giúp việc nói với bạn rằng mấy hôm nay bé nhà bạn có vẻ buồn bã và ít nói, đừng coi như đó chỉ là một nhận xét vu vơ. Ngay lập tức hãy đến ngồi bên con, trò chuyện và cố gắng tìm hiểu xem trong mấy ngày vừa qua, bé cảm thấy như thế nào. Sử dụng công nghệ: Phải, bạn thích xem TV và thích tập trung chơi trò chơi điện tử, nhưng sao bạn không dùng những hoạt động này để cải thiện mối quan hệ giữa bạn và con? Những gì liên quan đến máy tính, đến sách vở và bài học ở trường có thể chính là những lĩnh vực mà người giúp việc không thể nào cùng thảo luận với con bạn. Vì thế, hãy cùng con nói về những bài học, hãy cùng nói chuyện về những chương trình ưa thích và cùng so sánh level của các trò chơi… Hãy giữ mối liên hệ: Thậm chí nếu bạn đang ở cơ quan, hãy cố gắng liên lạc với con bằng cách gọi về nhà mỗi ngày. Nếu con có di động, hãy nhắn tin cho con để truyền đạt tình yêu của bạn.

Tuệ Mỹ