10:12 09/04/2025

Mirae Asset: Nhà đầu tư nên thận trọng chờ thông tin về quá trình đàm phán

Thu Minh

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mirae Asset vừa đưa ra nhận định triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4 trong đó nhấn mạnh trước thời điểm công bố thuế quan, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu khi diễn biến giao dịch giữa các nhóm ngành đã trở nên phân hóa rõ rệt, và VN-Index dao động trong vùng kháng cự từ 1.300 đến 1.330 điểm trong suốt 3 tuần liên tiếp.

Trong các phiên giao dịch đầu tháng 4, các tin tức liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ đã một lần nữa kích hoạt động thái chốt lời, diễn ra trong bối cảnh bán tháo lan rộng trên các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu và châu Á.

Tại Việt Nam, VN-Index phản ứng gần như ngay lập tức với mức giảm 6,7% vào ngày 3/4 khi 28 cổ phiếu thuộc VN30 giảm hết biên độ (-7%). Mặc dù thị trường ghi nhận phiên phục hồi đầu tiên vào ngày 4/4, lực cầu từ phía nhà đầu tư vẫn còn tương đối yếu.

Khối ngoại bán ròng 9,85 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 và 7,6 nghìn tỷ đồng trong đầu tháng 4, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm đến ngày 4/4 lên 33,53 nghìn tỷ đồng. Áp lực bán chủ yếu tập trung vào nhóm Ngân hàng (2,2 nghìn tỷ đồng), Công nghệ (5 nghìn tỷ đồng) và Thực phẩm & Đồ uống (3,1 nghìn tỷ đồng). Ngược lại, các nhà đầu tư này tích lũy cổ phiếu thuộc nhóm Bất động sản (2,5 nghìn tỷ đồng) và Chứng khoán (1,4 nghìn tỷ đồng).

Tâm lý tiêu cực cũng được phản ánh qua dòng vốn ETF, với giá trị rút ròng đạt 106 triệu USD (tương đương khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng). Làn sóng bán tháo này chủ yếu thông qua các quỹ ETF lớn tập trung vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là Fubon FTSE Vietnam (–1,7 nghìn tỷ đồng), DCVFMVN Diamond (–327 tỷ đồng), DCVFMVN30 (–321 tỷ đồng) và VanEck Vietnam (–123 tỷ đồng), phần nào bù đắp bởi dòng vốn vào KIM Growth VN30 (+18 tỷ đồng).

Mirae Asset tiếp tục chứng kiến hàng loạt biện pháp chủ động và đồng bộ từ phía Việt Nam, bao gồm cam kết giảm toàn bộ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ xuống 0% và duy trì lập trường trung lập trong thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, tác động tổng thể được dự báo sẽ ở mức khiêm tốn so với quy mô nhập khẩu 13 tỷ USD từ Mỹ trong năm 2024, nhất là khi chiến lược của Mỹ – thể hiện qua công thức tính thuế quan – chủ yếu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hoặc gia tăng lợi thế thông qua ba mục tiêu chính: tăng cường nhập khẩu từ Mỹ – điều gần như bất khả thi đối với Việt Nam nếu muốn đưa thâm hụt thương mại 120 tỷ USD xuống mức 0; đảo ngược dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quay lại Mỹ bằng cách di dời nhà máy, một quá trình đòi hỏi nguồn vốn lớn và không khả thi trong ngắn hạn;  nâng cao hợp tác song phương và gỡ bỏ các hạn chế đối với hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ.

Nhìn chung, kéo dài thời gian đàm phán dường như là biện pháp khả thi nhất cho đến khi Việt Nam và Mỹ thành công đạt được thỏa thuận về những sáng kiến hợp tác thương mại mới.

Mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường trong bối cảnh VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng dưới một lần độ lệch chuẩn so với mức P/E bình quân 10 năm.

Dù vậy, trong ngắn hạn, các yếu tố bất lợi có thể kích hoạt các đợt giảm mạnh, chủ yếu do tâm lý bi quan và áp lực bán giải chấp. Vì thế, Mirae Asset khuyến nghị nhà đầu tư duy trì thái độ thận trọng trong các phiên sắp tới, chờ thêm thông tin về quá trình đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ. Theo kịch bản thận trọng nhất, nếu Việt Nam không thể thương thảo để hạ mức thuế đối ứng xuống 10% hoặc không thể bảo đảm các miễn trừ cho những mặt hàng thiết yếu, tâm lý bi quan kéo dài và áp lực bán ra thì nhiều khả năng sẽ đẩy các ngưỡng hỗ trợ về vùng 1.125–1.150 điểm.