06:00 29/06/2021

Mở rộng hệ sinh thái kinh doanh để tiếp cận nhiều nguồn lực

Tuệ Mỹ

Khi mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc vào việc mở rộng hệ sinh thái với các quan hệ đối tác phù hợp để thành công...

Masan đặt mục tiêu mở 1.000 Kiosk Phúc Long trên nền tảng cửa hàng VinMart+ trong 18 - 24 tháng.
Masan đặt mục tiêu mở 1.000 Kiosk Phúc Long trên nền tảng cửa hàng VinMart+ trong 18 - 24 tháng.

Hệ sinh thái kinh doanh là một tập hợp các công ty có các mối quan hệ bổ sung và hiệp đồng nhằm xây dựng quan hệ đối tác chiến lược để mang lại giá trị cho người dùng cuối hoặc khách hàng. Các đối tác chiến lược này có thể bổ sung cho nhau theo nhiều cách khác nhau, cho dù đó là bằng cách trực tiếp cung cấp sản phẩm cho nhau, hoặc kết hợp các sản phẩm hoặc dịch vụ để cung cấp giá trị gia tăng lớn hơn hoặc tìm kiếm các kênh tốt hơn để tiếp cận thị trường mục tiêu hoặc lớn hơn. Những sự kết hợp này đều xây dựng cái mà chúng ta hay gọi là "hệ sinh thái kinh doanh".

NHỮNG THAM VỌNG MANG TỚI CƠ HỘI MỚI

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Covid-19, nền kinh tế thế giới bị tàn phá nghiêm trọng, thị trường sẽ có sàng lọc mạnh hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp có thương hiệu, nguồn lực, và chiến lược phát triển bền vững mới sẽ dẫn đầu cuộc chơi.

Cho nên, tham vọng "bành trướng" hệ sinh thái doanh nghiệp có thể mang lại cơ hội tăng trưởng bền vững, tạo ra những giá trị mới và cũng là bàn đạp để doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguồn lực và khách hàng hơn. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mô hình hệ sinh thái kinh doanh giúp doanh nghiệp phân tích và trao đổi lượng lớn dữ liệu và tăng giá trị cho các bên tham gia trong hệ sinh thái.

Năm 2020, hoạt động đầy khó khăn do đại dịch Covid-19, các tập đoàn tư nhân lớn đã tự cứu mình bằng cách chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực mới mẻ. Chẳng hạn như, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sau khi chuyển nhượng thành công 4 công ty thành viên cho Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải, đã quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi.

Ghi nhận đến cuối năm 2020 cho thấy, chỉ sau 3 tháng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi heo, doanh thu từ mảng kinh doanh mới đã mang về cho HAGL hơn 121 tỷ đồng, chiếm 13% tổng doanh thu cả tập đoàn, thậm chí còn vượt cả mảng kinh doanh chính là chế biến mủ cao su.

Năm 2020, HAGL trở thành công ty mẹ của Công ty CP Chăn Nuôi Gia Lai.
Năm 2020, HAGL trở thành công ty mẹ của Công ty CP Chăn Nuôi Gia Lai.

Tương tự, Tập đoàn Nova vốn có thương hiệu bất động sản Novaland nổi tiếng, nhưng cũng đã “rẽ ngang” để phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng nhằm hiện thực hóa mô hình 3F - chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

“Chúng tôi có quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng. Mấy năm qua, nhiều thương vụ M&A đã được ký kết, Nova đã đầu tư hơn 200 triệu USD, và sẽ còn tiếp tục đầu tư nhiều hơn thế nữa để quy tụ nhiều thương hiệu”, CEO Nova Consumer Tôn Thất Đề khẳng định.

VẼ LẠI BỨC TRANH "BÁN LẺ"

Bước sang năm 2021, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch mở rộng kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực mới. Thaco đi làm siêu thị, Kido bước chân vào kinh doanh chuỗi thực phẩm và đồ uống (F&B), Masan bán trà và cà phê… Những thông tin về việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn dường như sôi động hơn hẳn trong thời gian qua.

Không giống như phong trào đầu tư đa ngành trước đây, xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh các doanh nghiệp hiện nay đều tìm kiếm sự liên quan đối với hệ sinh thái của mình. Đây đều là những doanh nghiệp có tiềm lực và đủ sức tạo nên sự ảnh hưởng lên những lĩnh vực mình tham gia.

Đầu tháng 6/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido chính thức ra mắt một mảnh ghép mới trong hệ sinh thái kinh doanh của mình, đó là thương hiệu Chuk Chuk - hoạt động chính trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống). Chuk Chuk sẽ tham gia vào thị trường chuỗi cà phê, trà sữa và là “tay chơi” mới nhất trên thị trường được đánh giá là miếng bánh tỷ USD này.

Cụ thể, chuỗi Chuk Chuk sẽ kinh doanh cà phê, trà sữa và kem - một sản phẩm mà Kido đang dẫn đầu thị trường hiện nay. Chủ tịch Kido Trần Lệ Nguyên tham vọng Chuk Chuk sẽ trở thành chuỗi cà phê có độ phủ rộng. Ngay giữa lúc dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp tại Tp.HCM, ông dự định từ cửa hàng khai trương đầu tiên trong tháng 6, mục tiêu đến cuối năm nay, sẽ có 58 điểm bán với doanh thu 141 tỷ đồng.

Tập đoàn Kido chính thức công bố dự án F&B với tên gọi Chuk Chuk, chuỗi chuyên bán lẻ trà, cà phê, bánh ngọt... 
Tập đoàn Kido chính thức công bố dự án F&B với tên gọi Chuk Chuk, chuỗi chuyên bán lẻ trà, cà phê, bánh ngọt... 

Cũng như Kido, một loạt doanh nghiệp "đại gia" đã nhanh chân nhảy chuỗi cà phê. Tháng trước, một công ty con của tập đoàn Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà và cà phê Phúc Long.
Phúc Long hiện có 82 cửa hàng trên cả nước, và là thương hiệu rất được lòng giới trẻ. Và Masan đã quyết “chơi lớn” với thương vụ này, đưa F&B trở thành một phần cho chiến lược “Point of Life” mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và các lãnh đạo Masan liên tục đề cập gần đây.

Sau giai đoạn áp đảo thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều ông lớn bán lẻ nước ngoài đã và đang dần thu hẹp kinh doanh hoặc rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Những cái tên rời đi có thể kể đến Parkson - tập đoàn bán lẻ cao cấp tại Malaysia, Auchan - ông lớn bán lẻ đến từ Pháp, Emart của Hàn Quốc, còn Lotte vào tháng 7 tới cũng sẽ chính thức đóng cửa Trung tâm thương mại Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội.

Trong đó, Emart chuyển nhượng lại chuỗi bán lẻ tại Việt Nam cho Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Lãnh đạo Thaco kỳ vọng, việc tích hợp siêu thị Emart với các mặt hàng khác, cùng với showroom ô tô, kết hợp các trung tâm hội nghị, ăn uống, vui chơi giải trí không chỉ tạo thành một hệ sinh thái khép kín đáp ứng toàn diện nhu cầu khách hàng, nó còn giúp Thaco đưa các sản phẩm nông nghiệp của HAGL Agrico đến với thị trường nội địa.

 
Covid-19 khiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để nới rộng giới hạn tăng trưởng bằng một lĩnh vực mới.

Theo chuyên gia đầu tư tài chính Phan Lê Thành Long, việc ngày càng nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn mở rộng, lấn sân sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới như kể trên xét ở góc độ thị trường có thể xem là tích cực. Bởi với sự biến động mạnh của các yếu tố liên quan đến đứt gãy thị trường và các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp sẽ phải xác định một cấu trúc vốn tối ưu để đảm bảo không bị động trong các chiến lược kinh doanh.

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều khiến sức khỏe tài chính suy giảm. Việc thu hẹp các lĩnh vực không hiệu quả để dồn nguồn lực đầu tư cho các mảng có lợi thế cạnh tranh và đang có nhiều tiềm năng sinh lợi sẽ giúp doanh nghiệp tái cấu trúc vốn và tái cấu trúc sản phẩm nhanh hơn. Trong ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp cân bằng được các chỉ số tài chính, tối ưu hóa được quyền lợi cổ đông để tập trung cho các chiến lược đầu tư bền vững, dài hạn.