18:50 04/11/2021

Moderna tự tin sẽ thắng trong cuộc đua vaccine Covid với Pfizer

An Huy

Trong các chặng của cuộc đua vaccine ngừa Covid-19 tính đến thời điểm này, hãng dược Mỹ Pfizer luôn về đích trước đối thủ đồng hương Moderna...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, lãnh đạo Moderna nói rằng với kinh nghiệm nhiều năm về công nghệ mRNA, công ty này có lợi thế về lâu về dài.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây, Chủ tịch Stephen Hoge của Moderna đã nói: “Chúng tôi không phải một ‘kẻ tay mơ’” về mRNA – công nghệ được sử dụng trong vaccine Covid của cả Moderna và Pfizer. “Chúng tôi đã làm về công nghệ này trong nhiều năm, chúng tôi là những người sáng tạo trong lĩnh vực này”.

CUỘC ĐUA MODERNA – PFIZER

Ông Hoge nói rằng kinh nghiệm của Pfizer về triển khai nhanh thử nghiệm lâm sàng và sản xuất đại trà mang lại lợi thế trong ngắn hạn. Hãng dược phẩm khổng lồ ra đời năm 1849 đã cho ra đời vô số loại thuốc quen thuộc. Ngoài ra, đối tác sản xuất vaccine Covid của Pfizer là công ty Đức BioNTech cũng đã có nhiều năm nghiên cứu công nghệ mRNA.

Trong khi đó, Moderna mới được thành lập vào năm 2010 và mới có một sản phẩm duy nhất trên thị trường, chính là vaccine Covid. Tuy nhiên, ông Hoge nói rằng công nghệ ưu việt và bí quyết về mRNA của Moderna sẽ cho phép công ty này vươn lên dẫn trước Pfizer/BioNTech khi thị trường vaccine Covid bước vào giai đoạn bão hoà.

“Tôi không hề có ý định đánh bại họ trong cuộc chơi của chính họ”, ông nói. “Chẳng qua họ đang cố gắng tìm cách làm thế nào để chơi cuộc chơi của tôi”.

Moderna đã đạt tới một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử còn ngắn ngủi của công ty. Giá cổ phiếu Modernda đã tăng bùng nổ khi vaccine của hãng trở thành một vaccine ngừa Covid hàng đầu. Tuy nhiên, giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ, cho rằng phải mất nhiều năm nữa Moderna mới có thêm sản phẩm để đưa ra thị trường, và cho tới lúc đó, doanh thu từ vaccine Covid có thể đã giảm mạnh.

Thực ra, mối lo này đã gây áp lực lên cả cổ phiếu Moderna và Pfizer. Đến hiện tại, giá cổ phiếu Moderna đã giảm khoảng 29% sau khi lập đỉnh 1 năm vào hôm 9/8. Cổ phiếu Pfizer cũng giảm 13% kể từ khi chạm mức cao nhất 1 năm vào hôm 17/8.

Dù vậy, các nhà điều hành của Moderna cho biết họ vẫn trung thành với công thức đã đưa Moderna trở thành một trong những startup có mức định giá “khủng” nhất trong lịch sử ngành công nghệ sinh học. Họ cũng tin rằng lối đi này mang lại cho công ty sự linh hoạt lớn để cạnh trah với các hãng dược lớn hơn.

Vốn hoá thị trường của Moderna hiện đạt gần 140 tỷ USD, so với mức 251 tỷ USD của Pfizer. Mã cổ phiếu của Moderna là MRNA, một cách để thể hiện cam kết với công nghệ lõi của công ty.

CEO Stephane Bancel của Moderna nói rằng công ty sẽ không cố gắng tìm kiếm các thoả thuận để đẩy cao doanh số. “Chúng tôi sẽ không cố tìm thoả thuận để tăng doanh thu. Đây không phải là một cuộc chơi doanh thu, mà là chiến lược về khoa học và công nghệ. Chúng tôi còn có rất nhiều sản phẩm tiềm năng để ra mắt trong tương lai, và từ đó sẽ có nhiều doanh thu”.

Nhưng ời thời điểm hiện tại, Moderna vẫn đang ở dưới cái bóng của đối thủ lớn hơn. Ông Hoge thừa nhận rằng Pfizer đi trước khoảng 1 tháng trong việc bắt đầu triển khai vaccine Covid-19 và mũi tiêm nhắc lại. Theo ông Hoge, điều này chủ yếu do sức mạnh về nguồn nhân lực và sản xuất của Pfizer. Trước đại dịch, Moderna chưa từng sản xuất quy mô lớn bao giờ.

Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất hơn 3 tỷ liều vaccine Covid trong năm nay, còn Moderna dự kiến sản xuất dưới 1 tỷ liều. Khoảng cách sẽ thu hẹp trong năm tới, khi Moderna dự kiến sản xuất 3 tỷ liều, còn Pfizer 4 tỷ liều.

“Người ta nói rằng chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ cạnh tranh được với Pfizer”, ông Hoge nói. Ông cho biết, tính trên mỗi nhân viên, sản lượng của Moderna đang vượt xa Pfizer. “Với 78.000 người, vì sao họ chỉ dẫn trước chúng tôi có 1 tháng cơ chứ?” ông nói.

Moderna cũng cho rằng mình có thể vượt lên các đối thủ lớn hơn khi cạnh tranh về các vaccine khác, vì việc dựa vào công nghệ mRNA sẽ cho phép công ty đưa ra các vaccine kết hợp nhanh chóng hơn.

Ông Bancel cho biết Moderna đang nghiên cứu một vaccine kết hợp giữa vaccine cúm và vaccine Covid, có thể được đưa ra thị trường trong khoảng năm 2023-2024. Công ty cũng đang bào chế một vaccine kết hợp ngừa cúm, Covid và virus hợp bào hô hấp (RSV) – một loại vaccine hiện chưa hề có trên thị trường. Một số công ty khác, bao gồm Pfizer, đang nghiên cứu vaccine RSV sử dụng công nghệ khác.

Ông Bancel nói, do vaccine RSV của Pfizer không dựa trên công nghệ mRNA, nên khó kết hợp với các vaccine mRNA ngừa bệnh khác.

CHIẾN LƯỢC XA HƠN VACCINE COVID CỦA MODERNA

Giới phân tích ở Phố Wall dự báo doanh thu của Moderna, hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vaccine Covid, sẽ giảm sau năm 2022 khi Covid trở thành một bệnh đặc hữu. Ông Bancel cho rằng người già vẫn sẽ phải tiêm mũi nhắc lại, nhưng hiện chưa rõ các vaccine hiện có sẽ bảo vệ được người trẻ trong thời gian bao lâu.

Dù vậy, Moderna sẽ không ra sức tìm kiếm các thoả thuận như các công ty dược thường làm khi đối mặt với doanh thu giảm sút. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào thâu tóm hoặc giành nhượng quyền công nghệ mới bổ sung cho nền tảng mRNA của mình, ông Bancel cho hay. Đặc biệt, ông Bancel nói Moderna sẽ không thâu tóm các loại thuốc dựa trên công nghệ protein truyền thống, mà thay vào đó quan tâm tới những công nghệ và acid nucleic như can thiệp RNA, liệu pháp gen, và chỉnh sửa gen.

Thời gian qua, Moderna bị chỉ trích nhiều về việc không cung cấp thêm vaccine cho các nước thu nhập thấp. Tuần trước, công ty đã ký một thoả thuận cung cấp 110 triệu liều vaccine cho Liên minh châu Phi (AU). Hôm thứ Sáu, Moderna công bố một thoả thuận khác cung cấp thêm 56,5 triệu liều vaccine cho sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về phân phối vaccine đến các nước nghèo và thu nhập thấp.

Ông Bancel giải thích có một lý do khiến Moderna chưa thể cung cấp nhiều vaccine Covid hơn cho các nước thu nhập thấp là cho tới gần đây, phần lớn số vaccine mà công ty sản xuất ra đều phải đáp ứng các hợp đồng đã ký từ trước với các nước giàu như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông Bancel nói nhiều nước đang dư thừa vaccine, rằng Moderna muốn ký thêm nhiều thoả thuận với các nước thu nhập thấp.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Hoge thừa nhận có thể vaccine Moderna có rủi ro viêm cơ tim cao hơn so với vaccine Pfizer. Ông nói chưa có đủ dữ liệu để kết luận có sự khác biệt giữa hai vaccine về vấn đề này hay không. Nếu có, thì có thể đó là do liều vaccine Moderna cao hơn, nhưng cũng chính vì thế mà vaccine Moderna sẽ có hiệu quả cao hơn – ông Hoge nói.