14:26 04/11/2022

Nghiên cứu dùng cát biển làm cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm 2023 sẽ có kết quả

Anh Tú

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt một lượng vật liệu xây dựng là cát nền rất lớn. Việc nghiên cứu tìm kiếm nguồn vật liệu thay thế cho nguồn cát sông đang rất khan hiếm cho các dự án đường cao tốc tại khu vực này là nhu cầu cấp thiết, đến cuối năm 2023 sẽ có kết quả...

Cần khoảng 39 triệu m3 cát san lấp để xây cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, nguồn tài nguyên cát sông tại chỗ đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng.
Cần khoảng 39 triệu m3 cát san lấp để xây cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, nguồn tài nguyên cát sông tại chỗ đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng.

Chiều ngày 3/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề: "Đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39 triệu m3 cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn".

Tuy nhiên, nếu tiếp tục khai thác quá mức gây sạt lở, sụt lún và rất có thể dẫn tới xung đột. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Sáu đặt chất vấn về giải pháp nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình trọng điểm quốc gia và khi nào sẽ có vật liệu thay thế cát sông?

Đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Quochoi.vn.

Thông tin về vấn đề nghiên cứu vật liệu xây dựng mới thay thế vật liệu truyền thống tại các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, cho biết vừa qua, sau khi đi thị sát, kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và những bộ, ngành liên quan nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực này.

"Hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long là 39 triệu m3, trong khi đó, khu vực này chỉ có khoảng 26 triệu m3. Chính vì thế, thiếu một lượng vật liệu xây dựng là cát nền rất lớn", ông Thắng nêu rõ khó khăn.

Vì vậy, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, với trách nhiệm triển khai rất nhiều dự án trọng điểm tại miền Tây, Bộ Giao thông vận tải đánh giá việc nghiên cứu vật liệu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết.

Toàn cảnh phiên chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.
Toàn cảnh phiên chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện Bộ Giao thông vận tải triển khai khẩn trương nghiên cứu việc về loại vật liệu này thông qua việc lấy mẫu, làm các xét nghiệm.

Theo kết quả ban đầu, nếu lấy cát biển thay cho cát sông, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lượng cát biển lên đến hàng tỷ khối, tức không chỉ dùng được cho Đồng bằng sông Cửu Long mà có thể áp dụng cho cả nước.

 

"Khoảng cuối năm 2023, chúng ta sẽ có kết quả về việc liệu có sử dụng vật liệu này thay thế cho cát sông được không. Hiện vẫn còn những yếu tố kỹ thuật phải thực hiện, tuy nhiên, những nghiên cứu ban đầu cho thấy rất khả thi. Thực tế, hiện nay có Hồng Kong, Singapore, Nhật Bản và các nước Trung Đông áp dụng vật liệu này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cho biết thêm tro xỉ cũng có thể là nguyên vật liệu có thể bổ sung để làm đường. Bộ Xây dựng có những văn bản, quy chuẩn hướng dẫn việc này.

"Bộ Giao thông vận tải cũng thông báo đến các nhà thầu có thể sử dụng vật liệu tro xỉ hỗ trợ với các nguyên vật liệu khác như cát sông, để thực hiện san nền cho các dự án thuộc công trình của Bộ Giao thông vận tải", ông Thắng nhấn mạnh.

Hiện nay, hầu hết các dự án về hạ tầng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cát dùng để san lấp, đắp nền đều từ nguồn cát sông được khai thác dọc hai chi lưu lớn của sông Mekong là sông Tiền và sông Hậu, chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp và tổng sản lượng các mỏ đang khai thác còn thấp so với tổng trữ lượng hiện có ở các mỏ. Trong khi đó, nguồn tài nguyên cát sông tại chỗ đang khan hiếm và thiếu hụt trầm trọng. 

Hơn nữa, bài học triển khai dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cho thấy Chính phủ và các bộ, ngành nỗ lực ban hành nhiều cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho đại dự án này, tuy nhiên, tình trạng thiết hụt nguồn cung vật liệu xây dựng đắp nền đường vẫn là vướng mắc lớn, cản tiến độ thi công các công trình giao thông, đặc biệt là khi dồn dập các dự án được triển khai.