12:45 15/12/2011

Mời Mỹ tư vấn để tránh bị kiện ở Mỹ

Y Nhung

Tham tán thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ.
Tại hội nghị tham tán thương mại 2011 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/12, ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã có cuộc trao đổi cùng báo giới.

"Nên có sự phối hợp để đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được, chứ không quá chú trọng đến việc cạnh tranh bằng giá", ông đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ.

Năm 2012, theo các dự báo, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng tiếp tục có nhiều biến động. Theo ông các mặt hàng nào của Việt Nam có thể tiếp tục xâm nhập vào thị trường này?

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD, da giày 1,4 tỷ USD, đồ gỗ gần 1,4 tỷ USD, thủy sản khoảng 1 tỷ USD…

Thời gian tới, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam vào Mỹ vẫn tập trung vào các mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hải sản và các nông sản khác. Đây là thị trường rộng lớn, nhưng cũng có những quy định hết sức khắt khe.

Mới đây, Mỹ lại đưa ra một đạo luật mới với tên gọi là đạo luật hiện đại hóa vệ sinh an toàn thực phẩm. Sang năm 2012, đạo luật này sẽ được áp dụng. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã cảnh báo cho doanh nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các quy định trong đạo luật mới này.

Mặc dù vậy, theo ý kiến của chúng tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên mời các chuyên gia Mỹ sang Việt Nam đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp để có thể duy trì lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Điều đó cũng sẽ giúp Việt Nam tránh được tình trạng sự việc đã xảy ra, mới đi vào giải quyết.

Hiện có ý kiến cho rằng do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa chú trọng đến bao bì, nhãn mác khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vì thế giá trị xuất khẩu thường không cao, ông nghĩ sao về điều này?

Về bao bì, nhãn mác, thị trường Mỹ cũng có những quy định riêng. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Vụ Châu Mỹ của Bộ Công Thương đã có nhiều bài viết giới thiệu về thị trường này.

Thậm chí, Vụ Châu Mỹ còn xuất bản cả cuốn sách có tên là “Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Những điều cần biết”. Trong đó có những quy định về bao bì, nhãn mác. Vì vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể liên hệ để tham khảo các thông tin khi xuất khẩu sang thị trường này.

Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã bị kiện chống bán phá giá và kiện chống trợ cấp. Mới đây, sản phẩm ống thép của Việt Nam xuất sang thị trường này lại tiếp tục bị kiện, vậy, ông có khuyến cáo gì đối với các doanh nghiệp?

Các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp diễn ra ở thị trường Mỹ khá thường xuyên. Ống thép của Việt Nam là sản phẩm vừa bị phía Mỹ khởi kiện.

Trong vụ kiện này, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ không lớn, và cũng chỉ ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp trong ngành thép chứ không “lan tỏa” rộng như vụ kiện đối với cá tra và basa, đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng không nên coi nhẹ mà cần phải thuê luật sư để giúp kháng kiện trong vụ kiện này.

Một điều đáng lưu ý nữa, đây không chỉ là vụ kiện chống bán phá giá mà còn kiện cả chống trợ cấp, kiện liên quan đến các biện pháp hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. Điều đó có thể sẽ là tiền lệ để quốc gia này kiện chống trợ cấp đối với các mặt hàng khác của Việt Nam.

Hiện, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đang phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam tư vấn, giúp đỡ doanh nghiệp để giải quyết vụ việc.

Về phía Hiệp hội Thép, đây là lần đầu thành viên bị kiện nên chưa có kinh nghiệm. Nhưng, Việt Nam thời gian qua đã có nhiều lần phải đối phó với các vụ kiện nên có thể áp dụng các kinh nghiệm đó vào vụ kiện đối với sản phẩm ống thép.

Phải chăng nguyên nhân của các vụ kiện trên là do các doanh nghiệp Việt Nam quá quan tâm đến việc cạnh tranh về giá? Thời gian tới, ngành hàng nào sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện ở Mỹ?

Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến vào thị trường Mỹ, Thương vụ luôn theo dõi và đưa ra các cảnh báo. Đối với sản phẩm ống thép, từ cách đây 2-3 năm, chúng tôi cũng đã cảnh báo doanh nghiệp.

Trên thực tế, ở Mỹ luôn có những nhóm lợi ích khác nhau. Do đó, họ có thể vận động hành lang để các nghị sỹ nêu vấn đề khởi kiện sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Về phía các doanh nghiệp, khi nhận được các cảnh báo, phải có sự xem xét để điều hòa về số lượng và giá xuất khẩu một cách nghiêm túc. Tại thị trường Mỹ, nếu sản phẩm bán giá quá rẻ có thể bị quy là bán phá giá. Vì vậy, doanh nghiệp nên có sự phối hợp để đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được, chứ không quá chú trọng đến việc cạnh tranh bằng giá.

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Tại buổi làm việc với các tham tán, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung vào các lĩnh vực như: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa - giáo dục, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của quốc gia và công dân Việt Nam ở nước ngoài…

Đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ tập trung vào nghiên cứu giải tỏa khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Trong đó, đặc biệt là giải quyết các vụ kiện đang diễn ra. Vì vậy, Thương vụ sẽ đặt việc giải quyết hai vụ kiện liên quan đến cá tra, cá basa và và mặt hàng ống thép tại thị trường này là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.