15:48 14/04/2011

Một cú hích để chuyển đổi các dòng vốn?

Minh Đức

Chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng tạo sự chuyển đổi các dòng vốn, thậm chí là một tiền đề để hạ lãi suất

Ngay từ đầu năm 2011, tăng trưởng huy động ngoại tệ đã tăng mạnh, gần 5% khi lãi suất ở mức cao, dù huy động VND giảm khá mạnh.
Ngay từ đầu năm 2011, tăng trưởng huy động ngoại tệ đã tăng mạnh, gần 5% khi lãi suất ở mức cao, dù huy động VND giảm khá mạnh.
Chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng tạo sự chuyển đổi các dòng vốn, thậm chí là một tiền đề để hạ lãi suất.

Ngày 13/4, cơ chế trần lãi suất huy động USD đối với dân cư bắt đầu có hiệu lực. Phản ứng đầu tiên của các ngân hàng là kéo thẳng mức trần 3%/năm cho hầu hết các kỳ hạn. Còn phía sau đó, là kỳ vọng về một sự dịch chuyển, và cũng có cả sự lo ngại.

“Bước đi đúng hướng”

Một cơ sở cụ thể để Ngân hàng Nhà nước đưa ra cơ chế trần lãi suất là hoạt động huy động vốn ngoại tệ thời gian qua thuận lợi. Ngay từ đầu năm 2011, tăng trưởng huy động ngoại tệ đã tăng mạnh, gần 5% khi lãi suất ở mức cao, dù huy động VND giảm khá mạnh. Sự thuận lợi đó sẽ hạn chế bớt ảnh hưởng của cơ chế mới đối với yêu cầu cân đối vốn của các ngân hàng thương mại.

Thông tin từ đại diện một số ngân hàng thương mại cho thấy, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước là không quá bất ngờ. Trước đó, những thông điệp của chính sách về chuyển dần quan hệ tín dụng ngoại tệ sang quan hệ thương mại, hạn chế tín dụng ngoại tệ… đã liên tục được phát đi. Đó cũng là sự chờ đợi của người trong cuộc.

Trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Hải Đường, Giám đốc khối Kinh doanh nguồn vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank), dự tính rằng: “Việc giảm ngay lãi suất huy động USD từ mặt bằng chung là 5%/năm xuống còn 3%/năm có thể làm nguồn huy động ngoại tệ của một số ngân hàng bị giảm vì các cá nhân sẽ thấy USD không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa, họ sẽ rút ra bán lấy VND gửi sẽ hiệu quả hơn”.

Với khả năng dịch chuyển trên, bà Hải Đường lạc quan khi cho rằng các ngân hàng một mặt sẽ mua được ngoại tệ bù đắp một phần trạng thái, mặt khác sẽ tăng nguồn tiết kiệm VND của cá nhân.

“Nếu lượng USD chuyển đổi sang VND đủ lớn, có khả năng thanh khoản của VND sẽ được cải thiện, lãi suất sẽ giảm dần. Tôi thấy đây là bước đi đúng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, phù hợp với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang kiên định theo đuổi. Và điều Habubank quan tâm nhất lúc này là làm sao có chính sách để tăng mua USD và tăng huy động vốn VND từ sự dịch chuyển đó”, bà Đường nói.

Ngược lại, nếu người dân rút USD ra nhiều để chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến vốn ngoại tệ huy động của các ngân hàng thương mại. Đại diện Habubank cho rằng vẫn còn sớm để dự báo một cách chính xác tác động của nó, nhất là khi sự dịch chuyển còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, niềm tin của người dân đối với việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Trong khi đó, một chuyên gia tài chính độc lập lo ngại rằng, nếu nguồn huy động ngoại tệ đột ngột giảm mạnh, yêu cầu bảo đảm thanh khoản, tín dụng ngoại tệ vẫn hấp dẫn…, cơ chế trần lãi suất này có thể phát sinh những bất cập.

“Liệu có cam đoan được rằng lại có thỏa thuận ngầm, “đi đêm” với người gửi tiền, giành giật vốn ngoại tệ của nhau bằng lãi suất cao hơn trần như từng có ở huy động VND? Điều này là khó khẳng định”, chuyên gia này nói.

Mặt khác, vị này cũng nêu quan điểm, ý muốn tạo sự dịch chuyển còn tùy thuộc vào nhiều biến số khác của nền kinh tế, kể cả tâm lý người dân, “bởi họ có quyền tính toán và anh có đảm bảo được rằng trong tương lai người dân vẫn mua được USD với giá ổn định?”.
 
Lãi suất cho vay USD sẽ tăng

Cùng với chính sách trên, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc USD thêm 2%. Một lượng ngoại tệ ước tính ở khoảng 350 - 400 triệu USD theo đó sẽ bị “cất kho”, thay vì có thể cho vay để sản xuất, kinh doanh. Dĩ nhiên, khi tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có cơ sở trạng thái vốn của hệ thống thời điểm này.

“Việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 2% và Thông tư 07 về hạn chế các đối tượng vay ngoại tệ có hiệu lực từ 9/5/2011 sẽ làm các ngân hàng thương mại phải cân nhắc về việc tăng trưởng cho vay ngoại tệ, các khách hàng sẽ phải tính toán rất cẩn thận khi nhận nợ USD hay VND. Tôi thấy chính sách này của Ngân hàng Nhà nước là tích cực, hạn chế tăng trưởng tín dụng, góp phần chống Đô la hóa và tăng giá trị VND”, bà Nguyễn Hải Đường nhận định.

Người vay vốn ngoại tệ sẽ phải cân nhắc. Bởi ngay sau quyết định trên, một số ngân hàng thương mại cho biết phản ứng trước mắt là phải tăng lãi suất cho vay USD để bù đắp chi phí. Bởi huy động được 100 đồng, giờ phải “cất kho” 6 đồng; chưa hết, ngân hàng còn phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ tổng cho vay trên tổng huy động, đảm bảo các tỷ lệ thanh toán theo loại tiền USD quy định tại Thông tư 13 ban hành năm 2010 và Thông tư 19 sửa đổi sau đó.

Lãi suất cho vay tăng, cầu tín dụng sẽ giảm. Đó là ý tưởng của nhà điều hành. Nhưng, không hẳn tất cả các nhu cầu tín dụng ngoại tệ đều cần phải hạn chế. Nhiều phân tích thời gian qua cho rằng cần khuyến khích tín dụng ngoại tệ đối với các nhu cầu cho xuất khẩu, vừa tái tạo được nguồn ngoại tệ thương mại vừa góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt Nam trên thị trường…

Có thể, phản ứng chung của các ngân hàng thương mại là sẽ tăng lãi suất cho vay USD trong thời gian tới, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ dần hãm phanh, nhưng cũng sẽ có những gói ưu đãi đối với các nhóm đối tượng vay vốn cụ thể, thay vì cào bằng.