10:19 28/11/2022

Một mùa Black Friday áp lực với các nhà bán lẻ

Băng Hảo

Khi một năm đầy biến động sắp kết thúc đối với các nhà bán lẻ, triển vọng kéo lại doanh thu từ Black Friday đến Cyber Monday vẫn có vẻ u ám. Nhiều chuyên gia dự đoán doanh số bán hàng sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục…

Ảnh: The New Messenger
Ảnh: The New Messenger

Không khó để bắt gặp những người tiêu dùng dáng vẻ mệt mỏi vì lạm phát tăng cao nhưng vẫn cố săn lùng hàng hóa vào dịp Black Friday năm nay tại các cửa hiệu ở những thành phố lớn của Mỹ như New York, Los Angeles, Chicago… vào thời điểm bắt đầu mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, nhiều người cho biết, họ mở hầu bao mua hàng là vì đúng lúc cần mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh chứ không phải lao vào cơn say mua sắm như mọi năm.

Theo Fortune, trong khi các nhà bán lẻ đang quảng cáo những đợt siêu sale 30%, 50% và 70% cho mọi thứ từ TV đến thiết bị, nhiều mặt hàng vẫn sẽ có giá cao hơn năm ngoái do lạm phát. Vì thế, việc tìm kiếm một món hời thực sự đang trở thành thách thức với người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, đa số khách hàng đều có tâm lý không muốn chi tiêu quá nhiều khi tiền lương tụt dốc và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp.

“Thật đáng ngạc nhiên là các chỉ số của đồ công nghệ đầu mùa lại chậm đi, chệch khỏi xu hướng của vài năm trước”, Paul Gagnon, cố vấn của công ty thông tin thị trường toàn cầu NPD, nói. Tình hình kinh doanh của các hãng sản xuất laptop đang rất ảm đạm, phần lớn là do người tiêu dùng đã mua tất cả thiết bị họ cần trong 2 năm qua. HP đưa ra dự báo doanh thu trong kỳ nghỉ lễ sẽ không đạt kỳ vọng của phố Wall, cùng với kế hoạch sa thải tới 10% lực lượng lao động do suy thoái kinh tế kéo dài. Trong khi đó, các nhà phân tích của Dell cho biết doanh số trong quý 4 sẽ giảm khoảng 15%.

Người tiêu dùng Mỹ tập trung cho chi tiêu trực tuyến nhiều hơn vào dịp mua sắm năm nay.
Người tiêu dùng Mỹ tập trung cho chi tiêu trực tuyến nhiều hơn vào dịp mua sắm năm nay.

Theo ước tính, có khoảng 166 triệu người Mỹ đã lên kế hoạch mua sắm vào ngày Black Friday năm nay, cao hơn khoảng 8 triệu người so với cùng thời điểm năm ngoái. Mặc dù vậy, theo bà Mareschal Cohen, cố vấn trưởng tập đoàn tư vấn và nghiên cứu thị trường NPD Group của Mỹ thì năm nay có vẻ như mọi người đi tham quan, ngắm nghía nhiều hơn là vội vàng xuống tiền chốt đơn.

Quan sát này của bà Cohen trùng khớp với thực tế rằng, doanh thu của các nhà bán lẻ tại Mỹ vào ngày thứ Sáu đen đạt từ 9 tỷ đến 9,2 tỷ USD theo một báo cáo từ công ty phân tích thị trường Adobe Analytics, tương ứng với mức tăng khiêm tốn 1% so với năm ngoái. Tuy vậy, Adobe cũng nhận thấy xu hướng người mua sắm ở Mỹ tập trung cho chi tiêu trực tuyến nhiều hơn 3% vào dịp mua sắm năm nay với các giao dịch mua hàng được thực hiện phần lớn trên điện thoại di động.

Ông Michael Brown, một chuyên gia phân tích thị trường thuộc công ty tư vấn Kearney cho biết, 9 tỷ đô la doanh số bán hàng trực tuyến vào ngày Black Friday tăng khiêm tốn 1% so với năm ngoái là một thực tế đáng thất vọng sau 2 năm cả thế giới bị “đóng băng” vì đại dịch.

Để kích cầu và thu hút người dân mua sắm, các nhà bán lẻ đang giảm giá mạnh cả trên nền tảng thương mại trực tuyến lẫn tại các cửa hàng. Tuy nhiên, điều này lại gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong quý của họ. Một số “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như Walmart và Amazon cũng tung ra nhiều chiến dịch tiếp thị và ưu đãi giảm giá hấp dẫn tập trung vào các ngành hàng áo quần thời trang, thiết bị gia dụng và hàng điện tử.

Theo Nghiên cứu từ nhóm tư vấn Boston (Boston Consulting Group), trong tháng này, người dân ở châu Âu có kế hoạch chi tiêu giảm đi 1/5 so với cùng kỳ năm trước vào dịp giảm giá sâu hàng năm bởi áp lực lạm phát đang đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng. Trong một cuộc khảo sát ở 9 quốc gia, người tiêu dùng ở Anh đang phải cắt giảm chi tiêu ở biên độ lớn nhất trong khu vực, ước tính xuống 18%. Trong khi đó người dân Pháp và Đức đều có kế hoạch giảm chi tiêu khoảng 15% và người dân Tây Ban Nha là 13%.  

Đa số người tiêu dùng mở hầu bao là vì đúng lúc cần mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh chứ không phải lao vào cơn say mua sắm như mọi năm.
Đa số người tiêu dùng mở hầu bao là vì đúng lúc cần mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh chứ không phải lao vào cơn say mua sắm như mọi năm.

Những phát hiện này đưa ra khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở châu Âu. Điều này cũng gây áp lực lên các nhà bán lẻ, vốn đang phải vật lộn để phục hồi sau những tác động của đại dịch Covid-19, còn người tiêu dùng ngày càng tỏ ra quan tâm đến chi phí mua sắm. Theo CNBC, người tiêu dùng kỳ vọng các nhà bán lẻ sẽ giảm giá mạnh hơn nữa trong năm nay bởi các tác động của khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến họ phải "thắt lưng buộc bụng" rất nhiều.

Trong khi đó, nhiều công ty vẫn đang phải tìm cách khắc phục những thiếu sót và giải quyết các vấn đề nguồn cung từ năm ngoái bởi hàng tồn kho. Mùa mua sắm Black Friday là thời điểm họ kỳ vọng nhiều hàng hóa có thể bán được giữa nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong suốt tháng này, các nhà bán lẻ đã mở rộng các chương trình giảm giá nhằm tăng cơ hội mua hàng cho người tiêu dùng có tiền chi tiêu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã kêu gọi người tiêu dùng nên sáng suốt khi mua sắm chuẩn bị cho Giáng sinh. Ông John Davis, Giám đốc khu vực Anh và Ireland tại tổ chức an ninh mạng (Viện Sans) cho biết người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi mua sắm trực tuyến và tránh đưa ra các quyết định vội vàng hoặc hoảng loạn vì "sợ bỏ lỡ". Chẳng hạn như, trường hợp tin tặc cố gắng tạo cảm giác khẩn cấp khiến người tiêu dùng hoảng loạn và bị lừa đảo khi mua hàng.