21:20 23/01/2009

Một năm của những tin đồn

Ayumi Konishi

Tôi muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã đối phó thành công với rất nhiều thách thức trong năm 2008

Áp lực lên đồng Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2008, hoặc từ tháng 9 phần lớn phản ánh sự lo lắng của người dân hoặc sự kỳ vọng vào việc thiếu tính thanh khoản bằng đồng USD trong hệ thống, và không nhất thiết phản ánh tình hình cung-cầu thực tế - Ảnh: Getty Images.
Áp lực lên đồng Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2008, hoặc từ tháng 9 phần lớn phản ánh sự lo lắng của người dân hoặc sự kỳ vọng vào việc thiếu tính thanh khoản bằng đồng USD trong hệ thống, và không nhất thiết phản ánh tình hình cung-cầu thực tế - Ảnh: Getty Images.
Khi chúng ta nhìn lại tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2008, nhận xét đầu tiên mà bất kỳ ai cũng có thể đưa ra là “đây là một năm đầy biến động”.

Mặc dù năm thật không may là sự biến động sẽ có thế vẫn còn tiếp diễn trong năm sau, tôi vẫn muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã đối phó thành công với rất nhiều thách thức trong năm 2008.

Nhìn lại năm 2008

Những khó khăn đầu tiên trong năm nay là lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai, nhưng cần phải ghi nhận rằng Việt Nam chịu mức lạm phát cao do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm cả trong nước và nguyên nhân từ bên ngoài.

Mặc dù vấn đề lượng cung tiền tệ và tăng trưởng tín dụng thường được nhắc đến như là nguyên nhân chính, nhưng đó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố.

Nếu xem xét vấn đề trong một quãng thời gian dài hơn, sẽ nhận ra một cách rõ ràng rằng sự phát triển quá nóng của một số khu vực của nền kinh tế xảy ra do mất cân đối cung cầu - hoặc tổng cầu vượt quá năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Năng lực sản xuất của nền kinh tế bị kìm hãm bởi cơ sở hạ tầng kém phát triển, những qui định kiềm chế, hệ thống trung gian tài chính kém hiệu quả và thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp.

Nói cách khác, mặc dù vấn đề rủi ro trước mắt mà Việt Nam phải đối mặt đã chuyển từ lạm phát sang tăng trưởng, trong trung hạn Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với sức ép lạm phát trừ khi Việt Nam có thể giải quyết dứt điểm những hạn chế cơ bản đối với tổng cung.

Khó khăn nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn đầu năm còn do vấn đề nhận thức và tâm lý con người.

Thực tế, một phần lớn trong thâm hụt thương mại ở giai đoạn đầu năm là do nhập khẩu mang tính đầu cơ và đề phòng vì nhiều người đã cố gắng bảo toàn giá trị tài sản của mình hoặc kiếm lợi nhuận bằng cách mua hàng hóa từ nước ngoài, cho dù đó là vàng, xe hơi đắt tiền, các nguyên vật liệu thô như thép, phân bón, bông, hay chỉ đơn giản là ngoại tệ như USD.

Điều đó khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam càng xấu đi, tình hình ngày càng trở nên trầm trọng hơn theo một vòng tròn luẩn quẩn. Giá gạo đột ngột tăng trong tháng 4 cũng do vấn đề nhận thức hoặc tin đồn cho rằng Việt Nam có thể thiếu gạo.

Áp lực lên đồng Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2008, hoặc từ tháng 9 phần lớn phản ánh sự lo lắng của người dân hoặc sự kỳ vọng vào việc thiếu tính thanh khoản bằng đồng USD trong hệ thống, và không nhất thiết phản ánh tình hình cung-cầu thực tế.

Nói cách khác, tình hình trở nên khó khăn “bởi vì” người dân đoán rằng tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Tình hình đó nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc có được những thông tin và số liệu chính xác.

Đặc biệt ấn tượng là sau khi có những “tin đồn” hoặc có những báo cáo không có căn cứ của một vài ngân hàng đầu tư hoặc tổ chức nghiên cứu được công bố cho rằng Việt Nam đang tiến tới một cuộc khủng hoảng giống như khủng hoảng năm 1997, nền kinh tế lại gặp thêm khó khăn đơn giản bởi vì các thông tin và số liệu kinh tế chính xác không được đưa ra.

Tại hội nghị “kêu gọi các nhà đầu tư toàn cầu” vào tháng 6 với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, việc Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tiết lộ rằng dự trữ ngoại tệ của đất nước còn trên 20 tỷ USD là một sự kiện đặc biệt ấn tượng vì Thống đốc Giàu tự mình phát biểu rằng thực tế theo luật, ông không được công bố số liệu đó.

Tuy nhiên, thông điệp đó và việc Chính phủ tuyên bố nhắc lại rằng Việt Nam sẽ không phá giá đồng tiền của mình đã khiến tình hình lắng dịu.

Hiện tại, tôi đang rất quan tâm đến việc có được những số liệu kinh tế khác một cách đúng lúc, bao gồm cả các số liệu và thông tin về tài chính liên quan đến hoạt động và tình hình tài chính của một số các doanh nghiệp nhà nước.

Rất nhiều người nói về khả năng dễ bị tổn thương của khu vực ngân hàng, nhưng thực tế là không ai thật sự biết rằng điều gì đang xảy ra hoặc vấn đề nghiêm trọng đến như thế nào.

Số liệu và thông tin về các doanh nghiệp nhà nước cũng rất hạn chế và hệ quả là có rất nhiều tin đồn về các doanh nghiệp này. Có mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa thông tin và số liệu được công bố với tin đồn thất thiệt. Những tin đồn như vậy sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai.

Một loạt các sự kiện kinh tế trong năm 2008 đã cho thấy rõ ràng một thực tế rằng Việt Nam đã hội nhập vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên dựa vào “độ mở” của Việt Nam, thể hiện qua tổng kim ngạch xuất khập khẩu bằng hơn 170% GDP, đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép vượt quá 60 tỷ USD trong năm 2008, và Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1 năm 2007, rõ ràng nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng một trong những nguyên nhân chính của lạm phát là từ “yếu tố bên ngoài” hoặc “lạm phát nhập khẩu”, và trên thực tế các số liệu lạm phát đã cho thấy có cải thiện đáng kể trong thời gian cuối năm do giá cả hàng hóa toàn cầu giảm xuống vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đối với chúng ta có thể sẽ rất quan trọng khi đánh giá đúng những “hạn chế” của việc hoạch định kinh tế.

Do đã hội nhập tương đối sâu, Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ của những gì đang xảy ra trên thế giới và việc “đặt mục tiêu” sẽ trở nên rất khó khăn vì nền kinh tế Việt Nam không tách biệt khỏi kinh tế thế giới.

Và khi chúng ta không thực sự biết một cách đầy đủ về điều gì sẽ xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu, cần phải có sự linh hoạt trong điều hành nền kinh tế, đặc biệt trong một kỷ nguyên mà thế giới có nhiều sự bất ổn.

Năm 2008 là một năm biến động kinh tế đối với Việt Nam. Ban đầu, các vấn đề nảy sinh dường như chỉ có tính chất cục bộ sau nhiều năm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Nhưng trong nửa cuối năm, tình hình mang tính chất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam cho đến thời điểm này mới chỉ bị tác động nhẹ bởi vì các tổ chức tài chính của Việt Nam không có loại tài sản đang gặp rắc rối đó và các tổ chức tài chính nước ngoài đang gặp rắc rối cũng không có hoạt động lớn ở thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, những gì trong năm qua cũng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng phải phát triển một nền kinh tế linh hoạt. Nền kinh tế này chỉ có thể được xây dựng với sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tượng liên quan, dù ở trong nước, trong khu vực hay trên thế giới.

Chúng ta hy vọng rằng kinh nghiệm trong năm nay sẽ cho chúng ta một bài học, và cũng bổ ích khi Chính phủ nhìn lại, giải thích tại sao “chính sách 8 điểm” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải quyết những khó khăn kinh tế lại có hiệu quả.

Triển vọng năm 2009

Do nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục gặp khó khăn, năm 2009 sẽ không phải là một năm dễ dàng đối với Việt Nam, mặc dù chúng tôi rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn.

Xuất khẩu đang gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu. Không chỉ ở Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra ở khắp mọi nơi và Việt Nam sẽ chịu tác động thông qua hoạt động xuất khẩu của mình.

Suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và trên thực tế, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại vì Việt Nam đã được hưởng giá xuất khẩu cao đối với một số nhóm mặt hàng.

Mặt tích cực của vấn đề là sẽ ít có khả năng xảy ra “lạm phát nhập khẩu” trừ khi đồng nội tệ bị phá giá sâu, điều này rất khó có thể xảy ra.

Như nhiều người dự đoán, chúng tôi cũng tin rằng việc thực hiện một số dự án FDI cũng sẽ gặp khó khăn, vì nhiều nhà đầu tư khó có thể thu xếp tài chính cho các dự án của họ do tính thanh khoản tài chính toàn cầu trở nên rất thấp.

Tình hình kinh tế hiện tại có thể có tác động đến tình hình tài chính của những công ty sắp đầu tư vào Việt Nam. Hoặc chỉ đơn giản bởi vì suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư có thể thấy rằng không cấp bách phải gia tăng năng lực sản xuất của họ bằng cách đầu tư mới.

Tình hình đó buộc Chính phủ cần theo dõi sát sao các chính sách xúc tiến đầu tư của mình và cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Xét cho cùng, với việc Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào đất nước, cho dù có thể với tốc độ chậm hơn.

Mọi người dự đoán năm 2009 sẽ là một năm tương đối khó khăn đối với du lịch. Với tình hình kinh tế khó khăn, có thể dự đoán số lượng khách du lịch trên toàn cầu sẽ suy giảm và Việt Nam cũng có thể sẽ thấy lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm xuống.

Tình hình này chắc chắn sẽ đáng lo ngại vì việc phát triển các khu nghỉ cao cấp sẽ bị giãn tiến độ do nhu cầu của thị trường không nhiều và vì du lịch đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người Việt Nam.

Việt Nam nhận được lượng kiều hối lớn từ cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài. Số lượng người lao động xuất khẩu cũng là một con số đáng kể.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình xuất khẩu lao động có thể trở nên khó khăn và lượng kiều hối từ Việt kiều có thể giảm bớt bởi vì những người gửi tiền về Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính hoặc bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Để ngăn chặn tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu tới Việt Nam, Chính phủ đã công bố một gói trợ giúp ban đầu trị giá 1 tỷ USD và một gói trợ giúp tiếp theo trị giá 6 tỷ USD nhằm nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ cũng được điều chỉnh đồng thời với chính sách tiền tệ của các nước khác nhằm đảm bảo tính thanh khoản và giảm bớt gánh nặng, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chúng tôi quan tâm tới những chi tiết của các biện pháp được đề xuất, bởi vì cần phải chắc chắn rằng các khoản trợ giúp được sử dụng một cách hiệu quả nhất nhằm hỗ trợ người nghèo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần biết rõ rằng Việt Nam phải hoàn toàn hiểu được thực tế là các chính sách tài chính và tiền tệ quá nóng có thể làm trầm trọng thêm khả năng dễ bị tổn thương do tác động từ bên ngoài của nền kinh tế Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần phải lưu tâm tới thực tế rằng có thể đây là thời điểm thích hợp để đẩy nhanh quá trình cải cách của các doanh nghiệp nhà nước thông qua tái cơ cấu tài chính và cải thiện hệ thống quản lý công ty.

Việt Nam cũng cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nỗ lực đảm bảo rằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được duy trì bằng cách làm cho Việt Nam ngày càng hấp dẫn với các công ty đa quốc gia.

Tình trạng kinh tế toàn cầu khó khăn cũng có thể mang lại cho Việt Nam những cơ hội tăng cường và thắt chặt hơn các mối quan hệ kinh tế trong khu vực và trên toàn cầu nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng năm 2009 sẽ là một năm rất quan trọng đối với Việt Nam để tiếp tục đạt được thành công về tăng trưởng kinh tế xã hội nhanh chóng như trong quá khứ khi nền kinh tế toàn cầu cải thiện vào năm 2010 hoặc 2011.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam