10:44 29/12/2022

Một năm kinh doanh thành công của tỷ phú Arnault và LVMH

Minh Nguyệt

Với những người ngưỡng mộ, Bernard Arnault là một doanh nhân có tầm nhìn xa đã tiếp thêm sinh lực cho hoạt động kinh doanh của Pháp. Với những người chỉ trích, ông là “con sói trong bộ cashmere”...

Ảnh: WWD
Ảnh: WWD

Tuy nhiên, dù yêu hay ghét, người ta cũng phải thừa nhận rằng Bernard Arnault đã đưa ra một loạt các quyết định kinh doanh táo bạo. Năm 2022, ngay cả những người chỉ trích ông cũng bị ấn tượng bởi khả năng quản lý sáng tạo vì lợi nhuận và tăng trưởng của ông. Các nhà quan sát trong ngành cho rằng, không giống như các CEO toàn cầu khác, Arnault hiểu cả khía cạnh sáng tạo và tài chính khi điều hành một doanh nghiệp xa xỉ.

Vào ngày 10/12, Bernard Arnault, CEO của tập đoàn thời trang LVMH, đã soán ngôi Elon Musk để trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản khổng lồ trị giá 186,2 tỉ USD. Tuy rằng, ông Arnault chỉ nắm giữ vị trí này trong một ngày duy nhất trước khi Elon Musk tìm lại chiếc ghế của mình, nhưng điều này cũng đã cho thấy mức độ phát triển bền vững của tập đoàn toàn cầu mà ông nắm giữ, bất chấp những biến động lớn trong ngành thời trang thời gian qua.

Hiện tại, LVMH đang nắm giữ hơn 75 thương hiệu lớn nhỏ với xấp xỉ 5.500 cửa hàng trên toàn cầu. Trong đó, ngành thời trang và đồ da vẫn chiếm tỉ lệ đóng góp lớn nhất cùng mức tăng ổn định cho tập đoàn, với doanh thu 3 quý đầu năm 2022 là 27,8 tỉ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái (24% nếu tính mức tăng trưởng tự nhiên). Louis Vuitton và Dior là những thương hiệu có sức tăng trưởng tốt nhất và đóng góp lớn vào doanh thu.

Các mảng kinh doanh còn lại đều có mức tăng trưởng từ 19% cho đến 30%, những con số đáng mơ ước cho bất kỳ một công ty nào, nhất là khi nhiều doanh nghiệp gặp khó sau đại dịch Covid – 19 vì lạm phát tăng cao bất thường dẫn đến thay đổi trong mức chi tiêu của người tiêu dùng. Kết thúc 9 tháng của năm 2022, LVMH ghi nhận tổng doanh thu đạt 56,5 tỷ euro với mức tăng trưởng là 28%, con số hết sức ấn tượng.

 
Tính đến ngày 10/12, cổ phiếu của LVMH đạt mức 720.3 euro/ cổ phiếu (tăng 1,45% so với đầu năm), đạt giá trị thị trường hơn 360 tỷ euro.

Đặc biệt, LVMH nhận thấy nhu cầu về thời trang, túi xách và đồ trang sức của họ tiếp tục tăng vọt vào năm 2022, khi người dân đẩy mạnh mua sắm đồ cao cấp trong mùa lễ hội. Christopher Rossbach, người quản lý của World Stars Global, cho biết: "Sau kết quả kinh doanh mạnh mẽ hơn dự kiến từ các đối thủ cạnh tranh như Burberry, Prada và Richemont hồi đầu tháng. Báo cáo kinh doanh của LVMH đã không làm thị trường thất vọng.”

Khách hàng của LVMH chủ yếu tập trung tại Mỹ - thị trường hàng đầu thế giới (38%), theo sau là châu Á (trừ Nhật Bản – 21%) và châu Âu (trừ Pháp – 18%). LVMH đã thâm nhập được vào những thị trường lớn nhất với nhiều khách hàng sẵn sàng chi một số tiền lớn để sở hữu sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, rất nhiều người nổi tiếng là khách hàng trung thành của các thương hiệu thuộc LVMH, giúp cho họ duy trì vị thế hàng đầu của mình kể cả khi dịch Covid – 19 tàn phá ngành kinh doanh hàng xa xỉ trong giai đoạn này.

Giá cổ phiếu của LVMH cũng giữ được mức giá khá tốt, mặc dù từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến sự suy giảm đồng loạt.

Như vậy có thể thấy, LVMH vẫn đang có những bước phát triển vô cùng chắn chắn dù tình hình thị trường toàn cầu không quá thuận lợi. Việc doanh thu của họ tăng trưởng như vũ bão trong năm qua đã cho thấy nhu cầu xa xỉ phẩm vẫn là rất lớn, giúp cho giá trị công ty ngày một tăng cao.

Lễ khai trương trở lại trung tâm thương mại Samaritaine có sự tham dự của Tổng thống Pháp Macron.
Lễ khai trương trở lại trung tâm thương mại Samaritaine có sự tham dự của Tổng thống Pháp Macron.

Ngoài việc “soán ngôi” Elon Musk, Bernard Arnault còn được nhắc tên trong suốt năm 2022 nhờ một số sự kiện đình đám. Đầu tiên, vào tháng 3, sự trở lại của Samaritaine – một trong số những trung tâm thương mại lừng danh bậc nhất Paris – đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong bối cảnh Pháp quyết định quay lại cuộc sống bình thường mới. LVMH đã hợp tác với rất nhiều những tài năng thiết kế đẳng cấp thế giới để biến Samaritaine trở thành khu phức hợp của những nhà hàng, khách sạn, cửa hàng xa xỉ thuộc 600 thương hiệu lớn nhỏ.

Đặc biệt, khách sạn mới nhất thuộc thương hiệu Cheval Blanc của LVMH cũng được khai trương trong khuôn viên của Samaritaine. Trong khi phát triển lại cửa hàng bách hóa ban đầu, tỷ phú Arnault được truyền cảm hứng để xây dựng một khách sạn ở phía sông Seine của tòa nhà khi ông nhận ra rằng giá trị lớn nhất của nó là tầm nhìn không bị gián đoạn. Sở hữu 72 phòng với hướng tầm nhìn ra dòng sông Seine lãng mạn, giá khởi điểm là 1.270 USD cho một đêm lưu trú.

Tiếp đó, hồi tháng 10, vị tỷ phú này lại được cả thế giới nhắc tên khi tuyên bố đã bán chiếc máy bay riêng và từ giờ sẽ thuê máy bay phản lực tư nhân để đi lại. Trước đó, một số tài khoản mạng xã hội Pháp như "I Fly Bernard" và "Bernard’s Airplane" đã theo dõi các chuyến bay của tỷ phú Arnault và chỉ ra tình trạng ô nhiễm do việc sử dụng chuyên cơ riêng gây ra. Trước những ý kiến chỉ trích, Antoine Arnault, con trai cả của tỷ phú cho rằng bán máy bay là một quyết định đúng đắn vì việc tiết lộ vị trí của cha mình có thể khiến các đối thủ cạnh tranh tham gia các kế hoạch tương lai của LVMH.

LVMH được cho là đã chuẩn bị cho việc tham gia tài trợ Paris Olympics 2024.
LVMH được cho là đã chuẩn bị cho việc tham gia tài trợ Paris Olympics 2024.

Đến đầu tháng 12, Christian Dior SE, công ty niêm yết sở hữu phần lớn cổ phần của gia đình Arnault trong LVMH, đã bổ nhiệm Antoine Arnault làm Giám đốc điều hành kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Động thái này đã nâng cao tầm vóc của người con trai cả, khi năm người con của ông Arnault đều nắm giữ các vị trí cấp cao tại LVMH. Theo Reuters, việc bổ nhiệm Antoine diễn ra sau khi có sự thay đổi về cơ cấu pháp lý đối với khoản đầu tư của gia đình Arnault nhằm đảm bảo quyền kiểm soát LVMH. Bên cạnh vai trò mới với Christian Dior SE và tiếp tục vị trí điều hành tại Berluti, Antoine cũng sẽ vẫn là chủ tịch của Loro Piana.

Được gọi là “B.A.” trong công ty, Arnault được nhà phê bình thời trang Suzy Menkes mô tả là “Chúa tể của các biểu tượng”. “Mục đích của ông là trở nên đương đại, hiện đại, để làm cho các thương hiệu nói một ngôn ngữ phổ quát,” Suzy viết. “Và Arnault khẳng định rằng việc giữ tính cá nhân và tính độc đáo của mỗi thương hiệu là mối quan tâm hàng đầu, trong một cấu trúc công ty được sắp xếp hợp lý.” Chiến lược này đã cho phép mỗi thương hiệu giữ một mức độ độc lập trong khi trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ông Bernard Arnault năm nay đã 73 tuổi. Nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và quyết đoán. Vốn, ông dự kiến nghỉ hưu năm 75 tuổi. Nhưng trong buổi họp cổ đông vừa qua, tập đoàn LVMH đã đề nghị nâng giới hạn tuổi của vị trí tổng giám đốc điều hành (CEO) lên mức 80. Vì thế, có vẻ như ông vẫn sẽ cùng 5 người con của mình tiếp tục gánh vác đế chế kinh doanh.