20:11 26/08/2024

Một quỹ đầu tư Trung Quốc vừa mua vào 91 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 1,14% vốn điều lệ

Thu Minh

Theo Bloomberg, quỹ này là một quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc, chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam và đặc biệt theo dõi chỉ số VN30.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) vừa công bố thông tin về các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

Trong lần công bố này có sự xuất hiện một cổ đông mới - Tianhong Vietnamese Market Equity Launched QDII Fund. Theo đó, quỹ đầu tư này hiện nắm giữ hơn 91 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 1,14% vốn điều lệ của ngân hàng.

Theo Bloomberg, quỹ này là một quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc, chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam và đặc biệt theo dõi chỉ số VN30.

Trong khi đó, cổ đông Composite Capital Master Fund LP (quần đảo Cayman, Anh) đã giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng VPBank từ mức 2,7% xuống còn 1,7% vốn cổ phần tương ứng hơn 135 triệu cổ phiếu VPB.

Một quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc, chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam và đặc biệt theo dõi chỉ số VN30, mua vào 91 triệu cổ VPB. 
Một quỹ mở được thành lập tại Trung Quốc, chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu Việt Nam và đặc biệt theo dõi chỉ số VN30, mua vào 91 triệu cổ VPB. 

 

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 2/2024, Ngân hàng VPBank ghi nhận 3.633 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 8.665 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.775 tỷ đồng, tăng 65% so với 6 tháng đầu năm 2023.

VPB là cổ phiếu ngân hàng được Mirae Asset khuyến nghị tiềm năng tăng giá cao nhất lên tới 26%. Trong nửa đầu năm 2024, VPB ghi nhận tăng trưởng tín dụng gần 7% so với 2023, đạt 647.7 nghìn tỷ. Chất lượng tài sản nội bảng tuy có sự suy giảm theo quý nhưng nhìn tổng thể có phần cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5,08%, tăng 24bps so với Q1 nhưng giảm 144bps so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu chốt quý tại 48,1%, giảm 5,4%p so với quý 1 nhưng cải thiện 5,1%p so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu mở rộng giảm 23bps so với Q1 và 181bps so với cùng kỳ xuống còn 12,9%. Điểm tích cực được ghi nhận trong quý 2 của VPB có thể kể đến như tỷ trọng trái phiếu dưới chuẩn giảm mạnh xuống 17,8% từ 27,4% Q1/2024 (giảm 53,8% giá trị).

Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận có phần chậm lại trong Q2/2024, mức tăng của VPB vẫn cao hơn đa phần các ngân hàng tương đương trong nửa đầu năm. Trong 6T2024, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% trong khi lợi nhuận trước thuế tăng gần 68%, đạt hơn 8.600 tỷ. Đây là thành quả của sự cải thiện hiệu quả hoạt động của cả hệ sinh thái, đặc biệt từ việc giảm lỗ ghi nhận tại các công ty con (lỗ giảm từ 3,725.7 tỷ trong 6T2023 xuống còn 707.6 tỷ trong 6T2024).