12:06 16/03/2022

Mua bán dè chừng, thanh khoản blue-chips thấp kỷ lục

Kim Phong

Thị trường đang bước vào giai đoạn có khả năng nhiễu loạn dưới ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh và các quỹ ETF tái cơ cấu. Nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch tối đa, khiến phiên sáng nay thanh khoản hai sàn niêm yết tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, riêng VN30 là kém nhất kể từ cuối năm 2020...

Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng tăng khá tốt trong sáng nay.
Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng tăng khá tốt trong sáng nay.

Thị trường đang bước vào giai đoạn có khả năng nhiễu loạn dưới ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh và các quỹ ETF tái cơ cấu. Nhà đầu tư đã hạn chế giao dịch tối đa, khiến phiên sáng nay thanh khoản hai sàn niêm yết tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng, riêng VN30 là kém nhất kể từ cuối năm 2020.

Mặc dù dòng tiền rất yếu, nhưng thị trường không có vẻ gì là xấu. VN-Index chịu tác động lớn từ VIC và VHM, nhưng độ rộng vẫn duy trì tích cực nhờ 246 mã tăng/173 mã giảm. Chỉ số chính đang tăng 3 điểm, tương đương 0,21%.

Điểm nhấn sáng nay vẫn là thanh khoản sụt giảm đột biến. Tổng giá trị khớp hai sàn niêm yết giảm tới 21% so với sáng hôm qua, chỉ đạt 10.711 tỷ đồng. Đặc biệt sàn HoSE lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2/2022 có một phiên sáng khớp lệnh dưới ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng.

Dĩ nhiên thanh khoản thấp một phần lớn là do các blue-chips giảm giao dịch. Toàn bộ số cổ phiếu ngân hàng sàn HoSE chỉ giao dịch được 1.425 tỷ đồng. Con số này dĩ nhiên quá thấp, nhưng tính về tỷ trọng thì cổ phiếu ngân hàng sáng nay vẫn chiếm 15,2% giá trị sàn. So với 7 phiên gần nhất thì đây vẫn là tỷ trọng cao nhất. Điều đó nghĩa là thanh khoản giảm chung trên thị trường, không thể chỉ đổ lỗi cho cổ phiếu ngân hàng.

Các mã tạo thanh khoản chủ yếu cho thị trường đang giảm cường độ giao dịch ở mức độ chóng mặt. HPG là ví dụ, sáng nay chỉ khớp lệnh 33,4 tỷ đồng đã là số 1 thị trường. Hai mã blue-chips duy nhất khớp trên 200 tỷ đồng sau HPG là MBB và STB. Tính chung cả rổ VN30, giao dịch chỉ là 2.825,7 tỷ đồng, giảm 18% so với sáng hôm qua, là mức thanh khoản tệ nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay.

VN-Index đang bị một số trụ lớn kiềm chế.
VN-Index đang bị một số trụ lớn kiềm chế.

VN30-Index kết phiên sáng tăng 0,16 điểm, gần như không đáng kể để tính phần trăm. Tuy nhiên giao dịch cổ phiếu cũng không quá xấu, với 13 mã tăng/15 mã giảm. Duy nhất 2 cổ phiếu trong rổ này giảm trên 1% là VJC giảm 2,5%, VIC giảm 1,15%. Đây là hai cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới VN-Index. Ngoài ra nếu tính theo vốn hóa thì có thêm VHM giảm 0,81%, MSN giảm 0,64%.

Nhóm blue-chips tăng giá có dấu ấn khá nổi bật ở các mã tài chính: MBB tăng 1,27%, VCB tăng 1,23%, TCB tăng 1,03%, CTG tăng 0,78%. Cổ phiếu chứng khoán xanh áp đảo với 12 mã trên các sàn tăng hơn 1%. Nhóm blue-chips đóng góp SSI tăng 1,04%, HCM tăng 0,86%, VCI tăng 0,86%.

Tổng thể các cổ phiếu sàn HoSE hiện đang duy trì đà tăng giá áp đảo, không chỉ ở độ rộng tích cực. Sàn này có 10 mã kịch trần, 53 mã tăng từ 2% trở lên và 63 mã tăng trên 1%. Phía ngược lại chỉ có 2 mã sàn, 20 mã giảm trên 2% và 30 mã giảm từ 1%. Nói cách khác, nguy cơ nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nặng từ biến động giá cổ phiếu là khá thấp.

Nhờ có độ rộng tốt và biến động giá cổ phiếu theo hướng tích cực, việc thanh khoản quá thấp sáng nay đỡ tiêu cực hơn. Các tín hiệu đó cho thấy lực cầu đang rất thận trọng, nhưng nhà đầu tư cũng không còn muốn bán nhiều. Ngay cả các cổ phiếu chịu ảnh hưởng nặng trong ngắn hạn gần đây như cổ phiếu dầu khí, thép, phân bón... với mức lỗ ngắn hạn khá cao nhưng nhà đầu tư vẫn không bán ra nhiều khi giá phục hồi.

Khối ngoại sáng nay cũng giảm giao dịch đáng kể: Tổng giá trị bán ra ở HoSE chỉ chiếm 5,8% tổng thanh khoản sàn này, trị giá 560,5 tỷ đồng. Mức mua vào chỉ chiếm 4,3%, trị giá 419,2 tỷ đồng. Giá trị bán ròng tương ứng 141,3 tỷ đồng. VIC, VHM, HPG là 3 mã bị bán ròng lớn nhất và cũng là duy nhất trên 20 tỷ đồng. Phía mua chỉ duy nhất VNM là trên 20 tỷ đồng.