13:51 09/11/2021

Mưa cực lớn sẽ kéo dài cả tuần, các tỉnh miền Trung khẩn sẵn sàng sơ tán dân tránh lũ

Chu Khôi

Do hôm nay và trong 5 ngày tới, lượng mưa trút xuống miền Trung rất lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, hiện các địa phương ở khu vực miền Trung đã lên kế hoạch sơ tán dân 65.729 hộ với 258.444 khẩu…

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp
Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp ở các tỉnh miền Trung, sáng 9/11/2021, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành và các địa phương nhằm chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đêm qua đến sáng nay, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 100-200mm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Một số trạm có lượng mưa đặc biệt lớn như Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) 397mm; Ba Điền (Quảng Ngãi) 403mm; Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 372mm...

 

Lượng mưa dự báo ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, phía bắc Quảng Nam và Khánh Hòa trong 6 ngày tới phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm, ở phía nam Quảng Nam đến Phú Yên phổ biến 350-650mm, đặc biệt có nơi trên 800mm. 

 Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong 6 ngày tới (từ ngày 9 đến 14/11), ở Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Sau ngày 15/11, ở các địa phương này khả năng vẫn sẽ tiếp tục có mưa với lượng mưa khoảng 50-100mm.  

“Mưa lớn ở các tỉnh, thành phố miền Trung đợt này là do không khí lạnh kết hợp với gió Đông tác động gây mưa. Đặc điểm của đợt mưa này cứ mưa khoảng 2-3 tiếng thì tạnh sau đó lại tiếp tục mưa lại. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này, trong đó cần chú ý đặc biệt Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên”, ông Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.

Tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam, Phó chủ tịch UBND Hồ Quang Bửu cho biết sáng nay (9/11), tỉnh đã cử lực lượng xung kích ở các thôn, bản đi kiểm tra suối nhỏ, khu vực có nguy cơ sạt lở đất tại các huyện miền núi. Các hồ chứa của Quảng Nam cơ bản từ 75-95%, hiện tỉnh cũng đang vận hành các hồ để đón lũ.

Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, Phó chủ tịch UBND  Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay địa phương đã sẵn sàng các phương án sơ tán dân ở vùng ngập lụt, sạt lở, đồng thời dự trữ lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu tại vùng có nguy cơ bị chia cắt.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, hiện các địa phương ở khu vực miền Trung đã lên kế hoạch sơ tán dân khi lũ trên các sông vượt trên báo động 3 (BĐ3) là 65.729 hộ với 258.444 khẩu. Trong đó, kế hoạch sơ tán dân vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất là 26.743 hộ với 110.560 khẩu. Các tỉnh tiếp tục rà soát số cả F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh. Tùy theo diễn biến thực tế tình hình mưa, lũ các địa phương sẽ tiến hành sơ tán cho phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, đề nghị các địa phương rà soát lại các kịch bản phương án ứng phó mưa lũ, sạt lở đất, xả lũ nhằm đảm bảo việc ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiết hại do mưa lũ gây ra. Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thực hiện việc rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất để kịp thời sơ tán dân. Bố trí lương thực, thực phẩm ở các khu vực có nguy cơ lũ lụt kéo dài, bị chia cắt. Công tác tổ chức sơ tán dân phải đảm bảo an toàn đồng thời phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị lực lượng quân đội, công an ở các địa phương có các phương án tuần tra, canh gác tại các ngầm, tràn, hướng dẫn, hỗ trợ phân luồng giao thông. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm đến việc công tác bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Đối với các hồ chứa cần khẩn trương rà soát ngay các phương án vận hành điều tiết lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

“Yêu cầu các địa phương lên kế hoạch dự trữ nhu yếu phẩm, lương thực ở vùng chia cắt để đảm bảo đời sống cho người dân. Việc sơ tán dân phải đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch Covid-19, bố trí bồn nước, khu vệ sinh tại nơi sơ tán. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá bởi một số địa phương đã để xảy ra chết người", ông Hoài nhấn mạnh.