09:46 04/07/2012

Mục tiêu của Vinatex: Lương có thể nuôi thêm ít nhất một người

Nguyên Thảo

Thực hiện rút vốn đầu tư ngoài ngành, song Vinatex cho biết sẽ giữ lại khoản đầu tư tại Ngân hàng Hàng Hải

Vinatex khẳng định đã kinh doanh độc lập, canh tranh minh bạch và song phẳng theo đúng các quy định ngặt nghèo của các điều khoản quốc tế về ngành dệt may, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước.
Vinatex khẳng định đã kinh doanh độc lập, canh tranh minh bạch và song phẳng theo đúng các quy định ngặt nghèo của các điều khoản quốc tế về ngành dệt may, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước.
Người lao động có thể lo được cho cuộc sống và đủ khả năng chăm sóc cho ít nhất một người nữa bằng tiền lương của mình, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết mục tiêu phấn đấu, tại một báo cáo mới đây về chuyên đề đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
 
Hiện nay, tập đoàn đang tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 120.000 lao động, hàng loạt các chính sách liên quan đến tiền lương, thưởng, phúc lợi hợp lý cũng được xây dựng để đảm bảo cuộc sống cho người lao động cũng như thu hút thêm nguồn nhân lực mới, báo cáo cho biết thêm.

Tuy nhiên, đã không thể tìm thấy những con số định lượng về mức thu nhập cũng như khả năng đạt mục tiêu đã được nêu tại báo cáo: người lao động có thể lo được cho cuộc sống và đủ khả năng chăm sóc cho ít nhất một người nữa bằng tiền lương của mình.

Vốn nhỏ vẫn kinh doanh hiệu quả

Tự đánh giá là có số vốn nhà nước nhỏ nhất trong các tập đoàn kinh tế nhà nước nhưng hoạt động kinh doanh hiệu quả, Vinatex cho hay doanh thu 2011 của doanh nghiệp này lên đến 35.103 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.854 tỷ đồng, tăng 19% so với 2010. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn tập đoàn đạt 15,7%. Con số này ở một số đơn vị thành viên lên tới 122,6% (Tổng công ty Cổ phần May Hữu Nghị) hay 175,4% như Công ty Cổ phần May Đáp Cầu...
 
Trong khi không ít tập đoàn được nhìn nhận như các “công tử” không thể rời “bầu sữa” ngân sách thì Vinatex khẳng định đã kinh doanh độc lập, canh tranh minh bạch và sòng phẳng theo đúng các quy định ngặt nghèo của các điều khoản quốc tế về ngành dệt may, hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước.
 
Điểm khác biệt với các “ông lớn” khác cũng được chính tập đoàn này nhấn mạnh tại báo cáo là Vinatex đã tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên rất sớm, từ năm 2001 và không chỉ sớm nhất mà còn đạt hiệu quả cao nhất. Thời điểm hiện tại tập đoàn có gần 80 đơn vị thành viên, trong đó có 4 công ty do Vinatex nắm giữ 100% vốn điều lệ, 13 công ty có trên 50% vốn điều lệ do Vinatex nắm giữ, số công ty có tỷ lệ này từ 50% trở xuống và công ty liên doanh là 48, còn lại là các đơn vị sự nghiệp.

Theo kế hoạch, Vinatex sẽ tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị còn lại cũng như công ty mẹ - tập đoàn trong năm 2012 nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư từ bên ngoài, mở rộng sản xuất kinh doanh.
 
Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ tiến hành chuyển nhượng các khoản đầu tư ngoài ngành được đánh giá là rất nhỏ (chiếm 6% tổng vốn điều lệ 3.400 tỷ đồng) nhằm huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư nâng cao năng lực chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may của tập đoàn và của toàn ngành.

Giảm cổ phần nhà nước tại công ty mẹ

Lộ trình đổi mới Vinatex đến 2015 đã đưa ra khá nhiều thông tin cụ thể rất đáng chú ý.

Thực hiện rút vốn đầu tư ngoài ngành, song tập đoàn này cho biết sẽ “chỉ giữ lại khoản đầu tư tại Ngân hàng Hàng Hải” (Maritime Bank).

Giai đoạn 2012 - 2013, Vinatex sẽ giảm hoặc thoái vốn tại các đơn vị hiện tập đoàn đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đối với các doanh nghiệp khối phụ trợ và các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không cao.

Hai năm tiếp theo, Vinatex sẽ nghiên cứu giảm cổ phần nhà nước tại công ty mẹ tập đoàn, chỉ giữ lại 51% vốn điều lệ.

Trong 8 nhóm giải pháp với nội dung khá dày dặn được nêu tại báo cáo, Vinatex cho biết sẽ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của người đại diện phần vốn theo hệ thống đánh giá chặt chẽ. Trong đó, trên 65% số điểm phải được ưu tiên sử dụng để đánh giá việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, đánh giá việc bảo toàn và phát triển vốn trong doanh nghiệp.

Cũng theo Vinatex, căn cứ từ hệ thống chấm điểm và một số tiêu chí đánh giá đi kèm khác mà tập đoàn đưa ra kết luận về việc thực hiện nhiệm vụ được giao của người đại diện phần vốn theo các mức tốt, khá, trung bình và yếu. Quy trình đánh giá này được thực hiện định kỳ hàng năm, có thư nhận xét và khuyến nghị riêng của hội đồng thành viên cho từng người đại diện phần vốn, có gắn khen thưởng, kỷ luật với kết quả thực hiện kế hoạch được giao của những người này.

Trong các giải pháp về sản xuất kinh doanh, tập đoàn xác định sẽ thay đổi tầm nhìn đối với thị trường Trung Quốc, không chỉ coi thị trường này là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu dệt may chủ yếu mà còn coi đây là một trong những thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu hàng dệt may của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.

Vinatex cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu nội địa của toàn tập đoàn lên trên 43.200 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, riêng doanh thu của Vinatex Mart với trên 200 siêu thị quy mô lớn chuyên phân phối hàng dệt may tại thị trường nội địa phải đạt ít nhất 6.800 tỷ đồng.