08:07 31/10/2023

Mũi Cà Mau sẽ trở thành Khu du lịch sinh thái quốc gia

Ban Mai

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau bao trùm toàn bộ diện tích 20.100 ha, trong đó, khu trung tâm có quy mô khoảng 2.100 ha…

Mũi Cà Mau - cực Nam của tổ quốc, có ba mặt tiếp giáp với biển.
Mũi Cà Mau - cực Nam của tổ quốc, có ba mặt tiếp giáp với biển.

Được coi là khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Cà Mau có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch cộng đồng… Đáng chú ý, Cà Mau có Khu kinh tế Năm Căn - một trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước và có cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

KHẦN TRƯƠNG HOÀN THIỆN QUY HOẠCH

Mới đây nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành Nghị quyết số 28 thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những chỉ tiêu chính: phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, quan điểm, mục tiêu và các vấn đề chính cần giải quyết trong quy hoạch; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật; các yêu cầu điều tra khảo sát hiện trạng; tổ chức thực hiện…

Bên cạnh đó, nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung đảm bảo bám sát Quyết định số 744/QĐ-TTg (ngày 18/6/2018) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh Cà Mau khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng các công việc tiếp theo.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Mũi Cà Mau trở thành trọng điểm lớn nhất của tỉnh Cà Mau; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Theo quy hoạch được lập, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau bao trùm toàn bộ diện tích 20.100 ha, trong đó, khu trung tâm có quy mô khoảng 2.100 ha, được giới hạn từ phía Nam trục quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh) ra biển Đông, rộng khoảng 1,4 km, kéo dài từ ấp Khai Long (xã Đất Mũi) đến hết diện tích Công viên Văn hoá Du lịch Mũi Cà Mau (khoảng 15 km).

Khu vực trung tâm sẽ được tập trung phát triển, chuyên môn hoá cao nhất về du lịch, là trung tâm đón tiếp, dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tập trung các tiềm năng phát triển du lịch như tài nguyên du lịch, dự án đầu tư trọng điểm, có khả năng thu hút các nhà đầu tư; đồng thời dễ dàng kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch phát triển, dự báo quy mô dân số trung tâm khu du lịch đến năm 2030 là khoảng 14.000 người, đến năm 2050 khoảng 30.300 người. Về thu hút du khách, dự báo đến năm 2030, đạt khoảng 2,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 7.500 tỷ đồng; đến năm 2050, đạt khoảng 5,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng. Về buồng lưu trú, năm 2030 là 2.720 buồng, đến năm 2050 là 13.200 buồng; trong đó, khu vực trung tâm chiếm khoảng 60-70% nhu cầu buồng lưu trú của toàn khu vực.

Trong quy hoạch tầm nhìn dài hơi này, tỉnh Cà Mau cũng hướng tới phát huy lợi thế và nét đặc trưng, đặc biệt quan tâm hướng kết nối Mũi Cà Mau với khu vực Hòn Khoai, Phú Quốc, Côn Đảo... nhằm phát huy kinh tế biển, du lịch biển.

NÂNG CẤP SÂN BAY CÀ MAU LÊN CẤP 4C

Cà Mau có lợi thế nằm ở vị trí địa chiến lược (vị trí trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á), nằm trên hành lang phát triển kinh tế phía Nam của tiểu vùng Mekong mở rộng, là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển. Tỉnh có chiều dài bờ biển 254 km, dài nhất trong 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển, có ngư trường rộng lớn nhất nước.

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn; đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng du lịch.

Hình thành và phát triển 02 Hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP.Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và hướng Đông - Tây (Tân Thuận - Sông Đốc) trên cơ sở kết nối đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, cảng biển và 05 Cực tăng trưởng (TP.Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc, Tân Thuận, Đất Mũi).

Để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cà Mau cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, thực hiện đầu tư xây dựng Cảng hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C theo quy hoạch, để hỗ trợ Cà Mau rút ngắn khoảng cách với các trung tâm lớn của cả nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho tỉnh.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Cảng hàng không Cà Mau hiện đạt tiêu chuẩn cấp sân bay 3C, đáp ứng khai thác tàu bay ATR 72 và tương đương. Theo Quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 4149/QĐ-BGTVT (ngày 03/11/2014), giai đoạn đến năm 2030, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau thành cảng hàng không nội địa cấp 4C. Giai đoạn đến năm 2030 có công suất khoảng 1 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm.