10:32 05/09/2008

Muối không nuôi nổi diêm dân

Chu Khôi

Diêm dân có tồn tại được thì nghề muối mới mong phát triển và thoát khỏi tình trạng nhập khẩu muối

Nếu nghề muối không nuôi nổi diêm dân thì chắc chắn sẽ phải nhập khẩu muối.
Nếu nghề muối không nuôi nổi diêm dân thì chắc chắn sẽ phải nhập khẩu muối.
Đằng sau hạt muối mặn là số phận long đong muôn thủa của diêm dân. Để không còn phải nhập khẩu muối và có được hạt muối chất lượng tốt, cuộc sống của diêm dân phải được thay đổi.

Xã Nghĩa Phúc là một trong những trọng điểm sản xuất muối của tỉnh Nam Định. Người dân ở đây có một nghề duy nhất là làm muối. Trải qua chặng đường 43 năm xây dựng và phát triển, “thành tựu” lớn nhất mà những diêm dân ở đây làm nên là một xã Nghĩa Phúc nghèo nhất huyện.

Ông Vũ Đình Ký, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nghĩa Phúc cho biết: tính đến tháng 8/2008, toàn xã Nghĩa Phúc có tất cả 700 hộ, tương đương 2.300 nhân khẩu, trong đó, số hộ thuộc diện nghèo chiếm trên 80%. Cả xã chỉ trông vào 60 ha ruộng muối.

Hiện tại với giá muối 1.500 đồng/kg, thu nhập bình quân đầu người làm muối được 260 ngàn đồng/tháng. Đây là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay.

Giọt mồ hôi làm nên vị mặn

Nếu như trước đây, một ngày bình thường ngoài đồng muối Nghĩa Phúc có nhiều nam giới tham gia, thì bây giờ chỉ còn phụ nữ và trẻ con.

Những người đàn ông là lao động chính trong gia đình đã bỏ quê đi làm ở các thành phố. Mặc dù hiện tại, giá muối đang cao, nhưng tại xã Nghĩa Phúc vẫn có một số ruộng muối bỏ hoang, không ai làm. Sở dĩ có tình trạng này là vì nghề muối không thể nuôi nổi người làm muối.

Cũng như bao làng muối trên đất Việt Nam, làng muối Nghĩa Phúc từ xưa đến nay vẫn trung thành với cách làm thủ công truyền thống. Các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người, khổ nhất là xe cát mang phơi và đưa nước vào ruộng muối. Nói đến nghề làm muối là nghĩ đến phơi nắng. Lúc trời nắng chang chang là lúc diêm dân ra đồng.

Xe cút kít, xẻng, gầu múc nước là những đồ dùng gắn liền với cuộc sống của người dân. Diêm dân Nghĩa Phúc ví người làm muối giống như dã tràng xe cát biển đông. Ngày nào cũng làm bằng đấy công việc quen thuộc: xe cát, phơi cát, múc nước, đội muối, gắn cả cuộc đời với cát và nắng mà cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Chị Trần Thị Hương ở đội 3 xã Nghĩa Phúc kể, lên 9 tuổi, chị đã phải theo bố mẹ ra đồng phơi cát, múc nước, đội muối. Bây giờ lập gia đình riêng, vợ chồng chị cũng vẫn theo nghề muối. Vất vả cực nhọc mà vẫn không đủ ăn, chồng chị quyết định bỏ nghề muối lại cho vợ con rồi đi làm thợ xây ở thành phố.

Chị Hương nói: “Cũng như nhiều phụ nữ khác trong xã, ước ao lớn nhất của tôi là được tỉnh, huyện cấp kinh phí cho tu bổ lại cái cống lấy nước chung cho cả đồng muối Nghĩa Phúc đã bị xuống cấp từ nhiều năm nay. Kế đó là hỗ trợ vốn để những người phụ nữ có thể làm thêm nghề phụ, như chăn nuôi, chạy chợ...”.

Tìm lối thoát

Từ những năm tháng gần dân và hiểu được khó khăn của nghề muối, ông Trần Đức Vượng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, nói: trong số nông dân, diêm dân, ngư dân thì diêm dân là khổ cực nhất và thu nhập thấp nhất. Họ rất vất vả mới làm ra được hạt muối, nhưng khi bán lại luôn bị tư thương ép giá.

Các nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn, thì diêm dân cũng ít được tiếp cận nhất. Các ngân hàng rất ngại cho diêm dân vay vì họ không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cũng không mặn mà khi đầu tư vào nghề muối vì ít có lãi, nhiều khi còn bị hụt cả vào vốn.

Ông Vượng nói thêm, để không phải nhập khẩu muối, đồng thời tăng sản lượng, chất lượng muối, dứt khoát phải có chính sách, cách làm mới, ưu tiên, trợ giúp bước đầu đối với nghề muối và người làm muối.

Trong đó quan trọng nhất là phải sớm ưu tiên cho bà con diêm dân được vay vốn đầu tư củng cố, xây dựng mới hệ thống đường đi, cống lấy nước, phương tiện làm muối hàng ngày. Nhà nước, doanh nghiệp phải mua hết số muối cho dân làm ra, tránh để tư thương ép giá. Diêm dân có tồn tại được thì nghề muối mới mong phát triển và thoát khỏi tình trạng nhập khẩu muối.

Không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, Việt Nam đã phải nhập khẩu muối, nhập nhiều vào 2 năm gần đây. Hiện nay, giá muối nhập về Việt Nam là 70 USD/ tấn. Năm 2008, nhập khẩu 430.000 tấn (tương đương 3 triệu USD).

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu phát triển, mỗi năm ngành muối phải sản xuất thêm khoảng 90.000 tấn muối. Dự báo đến năm 2011, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu thêm 500 ngàn tấn muối. Nếu không hành động kịp thời và quyết liệt thì trong những năm tới, ngành muối có thể phải đối mặt với tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng.

Cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu

Cái khó nhất của ngành muối hiện nay là chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất muối.

Đến tháng 8/2008, phần lớn các dự án, khu công nghiệp chuyên làm muối đã được Chính phủ phê duyệt vẫn chưa thể đi vào sản xuất do thiếu vốn, nhân lực và mặt bằng. Nhiều diện tích làm muối của diêm dân đã giảm đáng kể do mấy năm nay muối mất giá, không có nguồn đầu tư nên diêm dân bỏ nghề muối, hoặc đã chuyển một phần diện tích khá lớn sang nuôi trồng thuỷ sản và làm các công trình khác.

Hầu hết cơ sở hạ tầng của ngành muối đã xuống cấp. Diêm dân chủ yếu làm muối theo phương thức thủ công truyền thống, tốn sức người, năng suất thấp. Số lượng ruộng muối được đầu tư xây dựng kiên cố, hiện đại, áp dụng công nghệ sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao chưa có nhiều.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là số lao động có kỹ thuật, am hiểu về nghề muối thiếu trầm trọng. Sản lượng muối làm ra không được bảo quản chu đáo, thất thoát nhiều trong quá trình vận chuyển. Giá muối không được thống nhất, thả nổi trên thị trường và thường xuyên do tư thương tự định đoạt. Sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với ngành muối và cuộc sống của diêm dân còn quá nhiều hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần đề xuất: để có được một ngành muối mạnh, chấm dứt tình trạng nhập muối thì phải quan tâm đến cuộc sống của diêm dân. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, tăng thêm tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước cho người làm muối thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo, xúc tiến thương mại.

Đồng thời nghiên cứu giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, huyện chủ động thực hiện trong tổ chức khuyến khích đầu tư, xây dựng những dự án sản xuất muối. Ông Tần nói thêm: “Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nên có một số chính sách để hỗ trợ nhiều hơn cho người làm muối, như hỗ trợ 50% vốn đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đẩy nhanh tốc độ giao quyền sử dụng đất sản xuất muối, bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án muối”.

* Để khắc phục tình trạng thiếu muối phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước, ngày 5/2/2007, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã ký Quyết định số 161/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2010 và năm 2020 (thay cho Quyết định 980/TTg). Theo đó, mục tiêu đến năm 2010, diện tích sản xuất muối là 14.500 ha, sản lượng muối đạt 1,5 triệu tấn, trong đó có 800.000 tấn muối công nghiệp. Đến năm 2020, sản lượng muối đạt 2 triệu tấn, trong đó có 1,35 triệu tấn muối công nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2006-2010, các tỉnh phía Bắc phải nâng cấp cải tạo 2.500 ha trong tổng số 2.780 ha đồng muối phơi cát hiện có; cải thiện công nghệ sản xuất đưa năng suất muối đạt 250.000 tấn/năm. Các tỉnh phía Nam cần cải tạo, nâng cấp 6.000 ha đồng muối phơi nước phân tán, cải tiến công nghệ sản xuất đưa năng suất muối đạt 75.000 tấn/ha và sản lượng muối đạt 450.000 tấn vào năm 2010.