07:33 05/04/2025

Mỹ sắp xóa đặc quyền miễn thuế với mặt hàng bán dẫn

Hạ Chi

Trong khi các nhà sản xuất PC và tập đoàn công nghệ quốc tế đang "nín thở" trước chính sách thuế quan mới của Mỹ, chip bán dẫn, một trong những mặt hàng trọng yếu của Mỹ hiện vẫn nằm trong danh mục được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, đặc quyền này có thể sắp kết thúc… 

Mỹ hiện miễn trừ thuế nhập khẩu cho sản phẩm bán dẫn.
Mỹ hiện miễn trừ thuế nhập khẩu cho sản phẩm bán dẫn.

Theo thông báo từ Nhà trắng, một số mặt hàng được miễn trừ khỏi chính sách thuế mới của Mỹ bao gồm chip bán dẫn, đồng, thuốc men, gỗ xẻ, một số loại khoáng sản mà Mỹ không thể tự khai thác trong nước, một số kim loại quan trọng (thép, nhôm, đồng, vàng) và tài nguyên năng lượng. Ngoài ra, những sản phẩm được xếp vào diện "bảo vệ vì an ninh quốc gia" cũng không bị đánh thuế theo chính sách mới này.

Theo hãng tin Tomshardware, việc miễn trừ thuế cho mặt hàng chip trong ngắn hạn sẽ đảm bảo hoạt động các công ty thiết kế bán dẫn Mỹ như AMD, Broadcom, Nvidia và Qualcomm. Đồng thời, việc duy trì miễn thuế với chip nhập khẩu còn giúp bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa quan trọng như ô tô và điện tử tiêu dùng, vốn cần đến lượng lớn vi mạch.

Tuy nhiên, các thiết bị phục vụ sản xuất chip lại không được hưởng đặc quyền này. Các nhà sản xuất Mỹ hiện phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 20% đối với thiết bị từ châu Âu và 24% đối với thiết bị từ Nhật Bản.

Thoạt nhìn, tỷ lệ thuế có vẻ không quá cao, nhưng do giá trị thiết bị rất lớn, chi phí thực tế phát sinh là không hề nhỏ. Đơn cử, một máy in thạch bản EUV NA thấp của hãng ASML có giá khoảng 200 triệu USD – khi cộng thêm thuế, giá thiết bị có thể lên tới 240 triệu USD. Đối với dòng máy EUV NA cao, với mức giá dự kiến 380 triệu USD, tổng chi phí sau thuế có thể đội lên tới 456 triệu USD.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao từ Nhà Trắng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét áp dụng mức thuế riêng biệt đối với một số ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm chất bán dẫn, dược phẩm và các khoáng sản quan trọng.

Các chuyên gia cho rằng động thái này nằm trong một chiến lược thuế quan có tính toán dài hạn. Mục tiêu là thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn cần xem xét chuyển dịch chuỗi sản xuất, đặc biệt là sản xuất chip trở lại lãnh thổ Mỹ. Đây không phải là điều mới mẻ, khi bản thân ông Trump nhiều lần công khai nhấn mạnh mục tiêu đưa ngành sản xuất công nghệ cao "trở về nhà", như một phần trong cam kết xây dựng lại năng lực tự chủ sản xuất.

Bản thân ông Trump, người đứng đầu Nhà Trắng, mới đây cũng đã lên tiếng khẳng định sẽ sớm áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng bán dẫn. Trước đó, ông từng tuyên bố khả năng đánh thuế loại hàng hóa này với mức tối thiểu 25%.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Howard Lutnick, cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tái thiết ngành bán dẫn trong nước. Ông đặt câu hỏi về thực trạng các thiết bị điện tử quan trọng lại đang phụ thuộc vào sản xuất tại Đài Loan và Trung Quốc, và cho rằng với sự phát triển của công nghệ tự động hóa và robot, Mỹ hoàn toàn có thể chủ động sản xuất các thiết bị này ngay trên chính đất nước mình.

 

Nhờ chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý chiến lược cùng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh, Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút không ít tay chơi bán dẫn, trong đó có hai nhà sản xuất bán dẫn lớn là Intel và Amkor.

Trong đó, nhà máy Intel tại Việt Nam hiện là cơ sở lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong số bốn nhà máy toàn cầu của Intel trong lĩnh vực này. Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2010, nhà máy đã đóng góp hơn 96,2 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM và khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố. Tính đến cuối năm 2024, nhà máy đã xuất xưởng hơn 3,9 tỷ đơn vị sản phẩm, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bên cạnh đó, nhà máy Amkor Technology tại Bắc Ninh cũng đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên trong năm 2024. Theo báo cáo, công ty ghi nhận doanh thu gần 340 tỷ đồng và đã xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sản xuất trong năm ngoái. Đồng thời, Amkor đã đóng góp khoảng 3,5 triệu USD vào ngân sách nhà nước thông qua thuế thu nhập cá nhân và thuế nhà thầu. Dù chưa công bố cụ thể quốc gia xuất khẩu, nhưng với vai trò là tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ và phục vụ nhiều khách hàng lớn tại đây, khả năng cao các sản phẩm chip sản xuất tại Việt Nam cũng đang được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.