14:30 20/05/2022

Mỹ thông qua gói cứu trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraine

Trang Linh

Theo đó, cam kết cứu trợ của Mỹ dành cho Ukraine hiện lên tới gần 54 tỷ USD...

Binh sĩ Ukraine tiến hành một hoạt động giám sát ở khu vực Donetsk của Ukraine tuần này - Ảnh: AP
Binh sĩ Ukraine tiến hành một hoạt động giám sát ở khu vực Donetsk của Ukraine tuần này - Ảnh: AP

Thượng viện Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ kinh tế và quân sự trị giá gần 40 tỷ USD để giúp Ukraine trong cuộc chiến tranh với Nga. Hiện gói cứu trợ chỉ còn chờ Tổng thống Joe Biden ký duyệt để đưa vào triển khai.

Với kế hoạch trên, cam kết cứu trợ của Washington dành cho Ukraine hiện lên tới gần 54 tỷ USD.

Gói cứu trợ được thông qua với tỷ lệ áp đảo với tất cả nghị sĩ đảng Dân chủ và phần lớn nghị sĩ đảng Cộng hòa đều đồng tình. Một số nghị sĩ Cộng hòa phản đối chương trình này với lý do con số quá lớn và hoài nghi về việc Mỹ có thể tham gia dài hạn vào việc tài trợ chiến tranh ở nước ngoài.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết ông đã mong cuộc bỏ phiếu đạt kết quả thống nhất nhưng thực tế không được như vậy và ông cảm thấy lo lắng về thông điệp của việc này gửi tới các địch thủ của Mỹ.

“Dù các thượng nghị sĩ của cả hai đảng đều muốn thực hiện gói cứu trợ này, nhưng thật đáng lo ngại khi thấy ngày càng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện phản đối việc tài trợ Ukraine”, ông Schumer nói.

Trước cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell nói rằng tương an ninh của nước Mỹ “sẽ được định hình bởi kết quả của cuộc chiến này”.

“Bất kỳ ai lo ngại về chi phí hỗ trợ chiến thắng của Ukraine nên cân nhắc chi phí lớn hơn nhiều nếu Ukraine thua”, ông nói.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Roger Marshall (bang Kansas) cho biết ông đã quyết định bỏ phiếu phản đối gói cứu trợ này.

“Tôi muốn làm mọi thứ có thể để giúp đỡ người dân Ukraine. Nhưng điều chúng ta phải lo lắng là những vấn đề của chính mình”, ông nói.

Cũng bỏ phiếu phản đối, thượng nghị sĩ Tommy Tuberville của bang Alabama nói rằng ông muốn gói cứu trợ này giảm quy mô và tăng giám sát.

“Mỹ dường như chỉ ném một đống tiền ra đó và đột nhiên tiền tiêu hết sạch, rồi chúng ta lại trở lại vào tháng 8, tháng 9 tới và muốn duyệt thêm tiền”, ông nói.

Gói cứu trợ trên bao gồm khoảng 6 tỷ USD để đào tạo và chu cấp cho quân đội Ukraine và khoảng 9 tỷ USD để cho vũ khí gửi tới nước này.

Ngoài ra, khoảng 3,9 tỷ USD sẽ được dành để hỗ trợ hoạt động tình báo, trang thiết bị và hỗ trợ cho quân đội được triển khai tới khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ viện trợ nhân đạo và hỗ trợ kinh tế Ukraine khoảng 8,8 tỷ USD, cũng như hơn 5 tỷ USD để khắc phục tình trạng khan hiếm lương thực và giá cả leo thang do chiến tranh tại nước này.

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ nhận được 67 triệu USD để chi trả cho chi phí thu giữ và bán những tài sản bị tịch thu như du thuyền và tác phẩm nghệ thuật của các tỷ phú Nga.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) cho biết ông đã bầu thông qua gói cứu trợ bởi theo ông, giúp Ukraine chính là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

“Tôi hoàn toàn đồng ý rằng Mỹ nên gây áp lực với châu Âu để hành động mạnh mẽ hơn nữa, nhưng Mỹ là quốc gia không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay", ông nói. “Nếu Nga thắng thế, giá cả nhiên liệu và thực phẩm tại Mỹ sẽ tăng vọt”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels đầu tuần này - Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels đầu tuần này - Ảnh: Getty Images

Các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế lớn G7 đã nhóm họp tuần này tại Đức để thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Ukraine. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở Brussels và thúc giục Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Đầu tuần này, EU đã thông qua một gói cứu trợ quân sự mới trị giá 527 triệu USD, đưa tổng mức hỗ trợ của khối này cho Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra lên 2,1 tỷ USD. EU cho biết có thể hỗ trợ tới 9,5 tỷ USD trong ngắn hạn để giúp chính phủ Ukraine trả nợ và duy trì các dịch vụ cơ bản. Ngoài ra, các quốc gia trên khắp châu Âu đã hỗ trợ thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine.