10:59 17/11/2021

Mỹ-Trung nhất trí tổ chức đàm phán về vũ khí hạt nhân

An Huy

Nhất trí này có được trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1979...

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11 theo giờ Mỹ - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/11 theo giờ Mỹ - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tổ chức đàm phán để giảm căng thẳng trong quan hệ song phương, đặc biệt là mối lo ngại càng lớn của Washington về kho vũ khí hạt nhân gia tăng của Bắc Kinh và việc Trung Quốc gần đây thử nghiệm một vũ khí siêu thanh.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết trong cuộc gặp thuợng đỉnh trực tuyến vào ngày 15/11 theo giờ Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết phải có các cuộc đàm phán “ổn định chiến lược” về hạt nhân. Trước đó, Trung Quốc từ chối đàm phán hạt nhân với Mỹ, trên cơ sở rằng Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều so với Trung Quốc.

“Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ xem xét để bắt đầu thực hiện các cuộc thảo luận về ổn định chiến lược”, tờ Financial Times dẫn lời ông Sullivan phát biểu tại một sự kiện ở Viện Brookings ở Washington ngày 16/11.

Ông Biden và ông Tập chưa đi đến quyết định nào về định dạng của đàm phán hạt nhân song phương, và Mỹ cũng muốn chờ xem Trung Quốc có thực hiện đúng lời hứa hay không - theo ông Sullivan.

Tuy nhiên, diễn biến trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ-Trung đã đạt nhất trí nhằm giảm căng thẳng trong các vấn đề an ninh quan trọng. Nhất trí này có được trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1979.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, ông Biden nhấn mạnh rằng hai nước cần tạo ra “lan can” để đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa họ “không đi trệch hướng thành xung đột”. Ông Tập cũng nói hai nước cần tránh làm quan hệ Mỹ-Trung đi lệch hướng.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ nói Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp 4 lần kho vũ khí hạt nhân lên mức ít nhất 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Mỹ hiện có khoảng 3.800 đầu đạn hạt nhân. Lầu Năm Góc cũng nói Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm silo cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bắt đầu có “bộ ba hạt nhân” (nuclear triad) – khả năng phóng tên lửa hạt nhân từ mặt đất, trên biển và trong không trung – sau khi triển khai một máy bay ném bom hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Mỹ nói Trung Quốc đang thay đổi chiến lược hạt nhân theo hướng cho thấy sự dịch chuyển khỏi “phòng ngừa tối thiểu” – một chính sách nhằm đảm bảo một quốc gia chỉ sở hữu đủ vũ khí để chống trả một cuộc tấn công của địch thủ - sau 5 thập kỷ Bắc Kinh theo đuổi chính sách này.

Tháng trước, Financial Times đưa tin rằng vào tháng 7, Trung Quốc đã thử một vũ khí siêu thanh có năng lực hạt nhân, có khả năng đạt tới độ cao của quỹ đạo Trái Đất. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, nói rằng vụ thử này có thể gần sánh ngang với “khoảnh khắc Sputnik” – sự kiện Nga phóng vệ tinh lên vũ trụ vào năm 1957.

Khi được hỏi về sự mở rộng nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và vụ thử tên lửa siêu thanh của nước này, ông Sullivan nói đây là “một vấn đề lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

“Tổng thống Biden đã đề cập với Chủ tịch Tập về sự cần thiết phải có những cuộc thảo luận về ổn định chiến lược. Những cuộc thảo luận đó cần được định hướng bởi hai nhà lãnh đạo và chủ trì bởi các quan chức cấp cao của cả hai bên trong các lĩnh vực về an ninh, công nghệ và ngoại giao”, ông Sullivan nói.

Vị cố vấn an ninh quốc gia nói thêm rằng những cuộc đàm phán như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không cùng cấp độ với “đối thoại ổn định chiến lược” giữa Mỹ với Nga - nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và đã đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

“Phương diện hạt nhân trong quan hệ Mỹ-Trung còn chưa lớn đến như vậy, nhưng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề này. Và giờ là lúc chúng tôi bắt đầu nghĩ đến phương thức hiệu quả nhất để thúc đẩy đàm phán”, ông Sullivan nói.

Dù đạt tiến bộ về vấn đề hạt nhân, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Biden và ông Tập giảm được căng thẳng Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan. Ông Biden nói ông ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”, nhưng lo ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc gần đảo Đài Loan.

Về phần mình, ông Tập cảnh báo Mỹ rằng bất kỳ ai ủng hộ Đài Loan độc lập cũng là “đùa với lửa” và “tự thiêu cháy chính mình”.