14:22 12/12/2023

Năm 2024, nhiều điểm mới để ngành y tế đấu thầu hiệu quả

Lý Hà

Nguyên nhân của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế lâu nay đã được chỉ ra, trong đó có việc chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu… Năm 2024, khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, ngành y tế sẽ tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc một cách hiệu quả hơn…

Năm 2024, khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, ngành y tế sẽ tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc một cách hiệu quả hơn
Năm 2024, khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, ngành y tế sẽ tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc một cách hiệu quả hơn

Những năm gần đây, nhất là thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện công lập và tư nhân diễn ra trầm trọng. Rất nhiều nguyên nhân gây ra việc thiếu thuốc, thiết bị y tế đã được chỉ ra.

Quốc hội khóa XV vừa thông qua toàn văn dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã “mở” ra nhiều cơ hội, giúp cho ngành y tháo gỡ khó khăn cho việc đấu thầu thuốc vào đầu năm 2024, khi Luật này có hiệu lực.

NGUYÊN NHÂN CƠ BẢN GÂY TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC

Trong thời gian qua, ngành y tế thiếu thuốc, thiết bị y tế là do nhiều nguyên nhân và đã được ngành y tế phân tích khá rõ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là không hoàn thành việc đấu thầu thuốc đúng thời hạn.

Tuy nhiên, không ít nguyên nhân xuất phát tự nội tại của ngành y, như các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh dược phẩm không dự đoán được tình hình biến động về việc sử dụng thuốc, nên không xác định được tiến độ mua sắm trong năm; không dự đoán được cung và cầu nên dẫn đến khả năng sản xuất, mua sắm thuốc không kịp đáp ứng nhu cầu, nên xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nhất là đối với các loại thuốc nhập khẩu.

Tương tự, tiến độ cấp số đăng ký lưu hành thuốc chậm cũng là nguyên nhân làm chậm trễ các gói thầu, thiếu thuốc trên thị trường. Những bất cập trong quản lý giá thuốc, cách thức tổ chức đấu thầu, nhân lực chuyên nghiệp phục vụ cho công tác đấu thấu đều là nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc.

Đặc biệt là các bất cập trong quy định, hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc đã tạo nên những hệ quả nghiêm trọng gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế…

 

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng như quy trình thanh toán bảo hiểm y tế trước đây... đã được xem xét tháo gỡ và cụ thể hóa trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023. Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn, chắc chắn việc đấu thầu y tế sẽ hiệu quả hơn.

Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho biết nếu năng lực, kinh nghiệm để tự chủ động tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế mà yếu thì rất khó tổ chức đấu thầu hiệu quả, điều này thể hiện rất rõ đối với các cơ sở y tế có quy mô nhỏ.

Vì thế, các cơ sở y tế tư nhân thường áp dụng giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung do Sở Y tế địa phương tổ chức cho các cơ sở y tế công lập. Sự phụ thuộc này kéo theo tình trạng thiếu thuốc do không phải lúc nào các Sở Y tế cũng tổ chức đấu thầu đúng thời gian.

Ngoài ra, còn một số quy định như không được áp thầu rộng rãi của các cơ sở y tế của các địa phương khác, nên việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế từ nguồn quỹ Bảo hiểm Y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế là không được vì trái với Điều 52 Luật Đấu thầu. Hơn nữa, Điều 52 chưa bao quát và giải quyết hết những mâu thuẫn, phát sinh, bất cập của hệ thống y tế tư nhân khi thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.

Quy định nhà thầu phải thông báo công khai là không đủ năng lực cung cấp thuốc cũng gây khó cho nhà thầu vì nó ảnh hưởng tới hồ sơ năng lực đấu thầu trong các gói thầu mới, dù họ có năng lực cung ứng thuốc.

Việc nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường phải chờ đấu thầu giá tập trung tại các Sở Y tế theo quy định cũng là những bất cập khi thực hiện thầu tại các địa phương…

Những nguyên nhân từ quy định đấu thầu nêu trên đã gây nên tình trạng thiếu, hết thuốc và vật tư y tế phục vụ bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở y tế và quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế.

KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CẦN ĐẤU THẦU TẬP TRUNG

Để tránh tình trạng thiếu thuốc, các thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế thì ngành y tế cần nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý các bất cập. Riêng đối với nguyên nhân do các quy định bất cập từ Luật Đấu thầu cũ như đã nêu ở trên sẽ được loại bỏ khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Đối với ngành y tế, Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 đã bổ sung hàng loạt nội dung liên quan đến việc đấu thầu của ngành y tế và dành riêng chương 5 cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023 có một số điểm mới về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, đó là:

- Các cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm thuốc không thuộc danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

- Cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.

- Có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít.

- Cho phép áp dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ một hoặc hai hãng sản xuất.

- Việc mua sắm tập trung đối với thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng khi đáp ứng đủ các điều kiện: thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế; trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh…

- Việc mua sắm tập trung có thể không cần áp dụng với từng trường hợp cụ thể, ví dụ: thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua sắm để phòng, chống dịch bệnh thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu; thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung đáp ứng điều kiện đàm phán giá theo quy định thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.

Những điểm mới về đấu thầu sẽ giúp các cơ sở y tế, các bệnh viện chủ động hơn trong việc tự tổ chức đấu thầu của mình.

Theo ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế cũng như quy trình thanh toán bảo hiểm y tế trước đây... đã được xem xét tháo gỡ và cụ thể hóa trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2023. Sắp tới, cùng với các thông tư hướng dẫn, chắc chắn việc đấu thầu y tế sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để công tác đấu thầu thuốc, thiết bị y tế… thành công, các cơ sở y tế phải có đủ nhân lực có trình độ, có tổ chức chặt chẽ, khoa học để tránh mọi sự “cài cắm” khi tổ chức đấu thầu. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với ngành y tế khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2023 phát hành ngày 11-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm 2024, nhiều điểm mới để ngành y tế đấu thầu hiệu quả - Ảnh 1