10:26 15/08/2022

Năm công ty nhà nước Trung Quốc đồng loạt hủy niêm yết tại Mỹ

Ngọc Trang

Động thái này diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn liên quan tới kiểm toán có thể khiến hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc bị loại khỏi thị trường chứng khoán Mỹ...

Các nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York - Ảnh: Getty Images
Các nhà giao dịch tại sàn chứng khoán New York - Ảnh: Getty Images

Ba trong số 5 công ty Trung Quốc đồng loạt hủy niêm yết tại Mỹ bao gồm China Life Insurance, PetroChina & China Petroleum và Chemical Corporation (Sinopec), cho biết sẽ nộp đơn “hủy niêm yết tự nguyện” đối với chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADS) của mình tại sàn chứng khoán New York, theo hồ sơ gửi lên sàn chứng khoán Hồng Kông – nơi các công ty này cũng đang niêm yết cổ phiếu.

Hai công ty còn lại có quy mô nhỏ hơn, gồm Aluminium Corporation of China (Chalco) và Sinopec Shanghai Petrochemical Co, cũng nói rằng sẽ hủy niêm yết ADS trong tháng này.

Người phát ngôn của Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) nhấn mạnh rằng “việc các công ty niêm yết hoặc hủy niêm yết tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào là chuyện bình thường”.

“Các công ty này hoàn toàn tuân thủ các quy định của Mỹ. Tuy nhiên, việc họ hủy niêm yết có liên quan tới hiệu quả thấp ở thị trường chứng khoán Mỹ. Và vì họ cũng đang niêm yết tại thị trường chứng khoán khác, việc hủy niêm yết sẽ không ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của họ ở các thị trường nước ngoài”, người phát ngôn của CSRC nói và cho biết thêm CSRC tôn trọng quyết định niêm yết ở nước ngoài của các công ty và sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý chứng khoán ở nước ngoài để bảo vệ lợi ích của các cổ đông.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, China Life Insurance, PetroChina & China Petroleum và Sinopec là ba doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc có tổng giá trị vốn hóa 256,92 tỷ Đôla Hồng Kông (32,73 tỷ USD) ở thị trường Hồng Kông. Cả ba công ty đều nằm trong chỉ số số Hang Seng của Hồng Kông và có tổng tỷ trọng là 2,18%.

Việc các công ty này tuyên bố rời khỏi sàn chứng khoán New York diễn ra trong bối căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước công bố danh sách 8 biện pháp trừng phạt nhằm phản ứng lại chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Các biện phám này bao gồm ngừng đối thoại về các vấn đề biến đổi khí hậu, việc hồi hương của người nhập cư bất hợp pháp, hỗ trợ tư pháp hình sự và tội phạm xuyên biên giới.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã dần bổ sung một loạt công ty Trung Quốc vào danh sách các thực thể vi phạm Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình Các công ty nước ngoài (HFCAA) khi không tuân thủ quy định về giám sát kiểm toán của Mỹ. Sau 3 năm vi phạm liên tiếp, các công ty này sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ.

Suốt một thập kỷ qua, các nhà quản lý chứng khoán của Mỹ và Trung Quốc vẫn đang vật lộn tìm cách giải quyết các mâu thuẫn, trong khi đó thời hạn cho việc hủy niêm yết các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi Mỹ sớm nhất có thể là năm 2023.

Uỷ ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) mô tả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông là 2 khu vực pháp lý "không thể tiếp cận". Trong khi đó, Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc nói rằng họ đã đề xuất một số kế hoạch với PCAOB để giải quyết vấn đề này.

China Life Insurance, PetroChina & China Petroleum và Sinopec không đề cập đến vấn đề kiểm toán trong nguyên nhân đi đến quyết định hủy niêm yết. Nguyên nhân được họ đưa ra là lượng giao dịch thấp, chi phí cao và các vấn đề pháp lý.

 

Có thể sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết ở Mỹ vì đa số các doanh nghiệp này có lượng giao dịch ít và đang chịu áp lực từ phía cơ quan quản lý của Mỹ.

TOM CHAN PAK-LAM, CHỦ TỊCH VIỆN CHỨNG KHOÁN HỒNG KÔNG

China Life là công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn hóa lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Ping An Insurance Group. Công ty này dự kiến nộp đơn hủy niêm yết vào ngày 22/8 và dừng giao dịch ADS vào ngày 1/9.

China Life nói rằng quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc về việc lượng giao dịch ADS hạn chế so với cổ phiếu H được giao dịch toàn cầu của công ty, trong khi chi phí quản lý cao đáng kể.

Trong khi đó, PetroChina nói rằng quyết định hủy niêm yết nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư. Công ty dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc cũng cho biết không tận dụng sàn chứng khoán New York cho đợt gọi vốn tiếp theo và nói rằng thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải “là lựa chọn thay thế tốt cho công ty bởi vì các thị trường này có thể thỏa mãn các yêu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh bình thường của công ty”. PetroChina dự kiến sẽ dừng giao dịch ADS vào khoảng ngày 8/9.

Còn Sinopec, hãng bán lẻ dầu lớn nhất Trung Quốc, dự kiến nộp đơn xin hủy niêm yết vào ngày 29/8 và việc này có hiệu lực 10 ngày sau đó. Công ty cũng nói rằng nguyên nhân hủy niêm yết là lượng giao dịch ADS ít ỏi, chi phí cao và gánh nặng pháp lý.

Theo ước tính hồi tháng 5 của Bloomberg Intelligence, khoảng 300 doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông và Trung Quốc – với tổng giá trị vốn hóa hơn 2.400 tỷ USD – có nguy cơ bị loại khỏi các sàn chứng khoán của Mỹ trong bối cảnh SEC đang siết quản lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Có thể sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc hủy niêm yết ở Mỹ vì đa số các doanh nghiệp này có lượng giao dịch ít và đang chịu áp lực từ phía cơ quan quản lý của Mỹ”, ông Tom Chan Pak-lam, Chủ tịch Viện Chứng khoán Hồng Kông, cho biết. “Tuy nhiên, nếu Mỹ mở rộng lệnh cấm, theo đó cấm nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc tại Hồng Kông, thì sẽ gây tác động đáng kể tới thị trường này. Hy vọng việc này sẽ không xảy ra và hai quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận để giải quyết các mâu thuẫn”.