Alibaba có nguy cơ bị hủy niêm yết ở Mỹ, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc mạnh
Nếu điều này xảy ra, Alibaba sẽ là công ty Trung Quốc lớn nhất bị hủy niêm yết ở Mỹ...
Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) hôm 30/7 đã đưa tập đoàn Alibaba vào danh sách các công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ nếu cơ quan chức năng Mỹ không thể tiếp cận báo cáo kiểm toán của họ trước mùa xuân năm 2024.
Theo Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm (HFCAA) năm 2020, có hiệu lực từ năm 2021, cơ quan chức năng Mỹ có thể cấm doanh nghiệp niêm yết giao dịch cổ phiếu nếu cơ quan giám sát của Mỹ không thể kiểm tra các công ty kiểm toán cho những doanh nghiệp này trong 3 năm liên tiếp.
Động thái của SEC được đưa ra vài ngày sau khi Alibaba cho biết sẽ đăng ký niêm yết chính tại Hồng Kông – sàn giao dịch mà tập đoàn này đã niêm yết lần hai vào năm 2019. Trước đó, năm 2014, Alibaba có thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục ở Mỹ. Việc chuyển sang niêm yết chính tại Hồng Kông sẽ cho phép cổ phiếu Alibaba tiếp tục được giao dịch kể cả khi bị hủy niêm yết ở Mỹ.
Chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của Alibaba đã giảm giá 11% trong phiên giao dịch ngày 30/7 sau động thái của SEC. Riêng trong tháng 7, mã này giảm 21% giá trị - mức giảm tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2021. Trong 12 tháng qua, mã này đã mất 55% giá trị.
Theo tin từ Wall Street Journal, người đồng sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, đang có ý định nhượng lại quyền kiểm soát tại Ant Group Co. – công ty công nghệ tài chính liên kết với Alibaba, trong bối cảnh Ant đang muốn cắt bỏ mối liên hệ với tập đoàn nhằm tránh những áp lực từ cơ quan chức năng tại Trung Quốc.
Ba công ty Trung Quốc khác cũng được đưa vào danh sách có thể bị hủy niêm yết của SEC trong ngày 30/7 sau khi họ công bố báo cáo tài chính thường niên mới nhất. SEC đến nay đã xác định hơn 150 công ty là không tuân thủ HFCAA, bao gồm hai hãng thương mại điện tử JD.com Inc., Pinduoduo Inc., cũng như công ty quản lý nhà hàng Yum China Holdings Inc.
Theo Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, tính tới tháng 3/2022, có khoảng 261 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng giá trị vốn hóa khoảng 1.300 tỷ USD.
Các cơ quan quản lý Mỹ tuần trước có một loạt động thái củng cố lập trường của mình về yêu cầu liên quan tới kiểm toán đối với các công ty niêm yết, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc liệu Ủy ban giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB) của Mỹ có được toàn quyền tiếp cận các tài liệu kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc hay không. Các nhà chức trách Trung Quốc từ lâu đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia để hạn chế sự tiếp cận này.
Nếu các nhà chức trách hai bên không đạt được thỏa thuận, Alibaba sẽ là công ty Trung Quốc lớn nhất bị hủy niêm yết ở Mỹ. Tập đoàn này phản đối các yêu cầu của phía Mỹ, lập luận rằng kể từ khi IPO trên sàn chứng khoán New York năm 2014, tập đoàn đã được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán được công nhận trên toàn cầu và đã đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Trong một bài phát biểu trước Trung tâm Chất lượng Kiểm toán hôm 27/7, Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết Mỹ sẽ không cử thanh tra đến Trung Quốc trừ khi đôi bên đạt được thỏa thuận về một khuôn khổ cho phép PCAOB thanh tra và kiểm tra toàn diện các công ty kiểm toán.
“Không nên đánh giá một thứ gì đó qua vẻ bề ngoài. Dù rất quan trọng, nhưng bất kỳ khuôn khổ nào cũng chỉ là một bước trong quy trình thôi”, ông Gensler phát biểu.
Một ngày sau đó, Chủ tịch PCAOB, bà Erica Williams, lưu ý rằng “thời gian là điều cốt yếu" đối với các cuộc đàm phán về kiểm toán.
“Được tiếp cận thị trường vốn của Mỹ là một đặc quyền, không phải là quyền lợi thông thường. Nhóm của chúng tôi phải được đến Trung Quốc và kiểm tra xem những gì viết trên giấy tờ có đúng như thực tế hay không”, bà nói.
Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc đạo luật trong đó rút ngắn thời hạn năm 2024 xuống năm 2023, dù không còn nhiều thời gian để Hạ viện và Thượng viện đưa ra các thỏa hiệp và thông qua đạo luật trong năm nay.
Tuy nhiên, PCAOB nhấn mạnh rằng các công ty niêm yết vẫn sẽ bị giám sát chặt chẽ sau khi hủy niêm yết, và việc này có thể mất hơn một năm.
“Các cuộc thanh tra và kiểm tra của PCAOB có tính hồi tố. Vì vậy, kể cả khi một công ty bị hủy niêm yết hôm nay, thì báo cáo tài chính đã được kiểm toán của họ trong năm qua vẫn bị thanh tra hoặc kiểm tra”, người phát ngôn của PCAOB nói với Wall Street Journal.
Người này cũng cho biết các công ty bị hủy niêm yết được yêu cầu nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán cho SEC nếu công ty có hơn 300 cổ đông tại Mỹ hoặc nếu họ giao dịch chứng khoán ở Mỹ vượt một ngưỡng nhất định.
Ông Ronald Cheung, một đối tác của Optimas Capital Management ở Hồng Kông, dự báo sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc “nối gót” Alibaba và theo đuổi việc chuyển sang niêm yết chính tại Hồng Kông nhằm phòng ngừa rủi ro bị hủy niêm yết ở Mỹ.
Công ty của ông Cheung hiện đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp Trung Quốc qua cả chứng chỉ lưu ký tại Mỹ và cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông.
Ông Mark Martyrossian, giám đốc công ty Aubrey Capital Management có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết dù các nhà đầu tư nước ngoài thích giao dịch chứng chỉ lưu ký ở Mỹ mà họ quen thuộc hơn, nhưng những người muốn đầu tư vào Trung Quốc sẽ hoàn toàn sẵn sàng rót tiền vào các công ty niêm yết ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
“Thực tế là nhà đầu tư vẫn rót tiền vào Trung Quốc. Thị trường này quá lớn nên khó có thể bỏ qua”, ông Martyrossian nhận xét.