07:28 22/04/2018

Năng lượng tái tạo - xu hướng của nền kinh tế xanh

Trần Minh Thành

Năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi Quốc gia và là một trong các nhu cầu thiết yếu đối với sinh hoạt của con người

Công trình Hệ thống Điện Năng lượng Mặt trời tại nhà xưởng Việt Long Hưng (Việt Tiến).
Công trình Hệ thống Điện Năng lượng Mặt trời tại nhà xưởng Việt Long Hưng (Việt Tiến).

Năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi Quốc gia và là một trong các nhu cầu thiết yếu đối với sinh hoạt của con người. Năng lượng cũng chính là yếu tố không thể thiếu của rất nhiều ngành kinh tế khác, nó có tác động, tầm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khác của đời sống, như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% - tỷ lệ tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là Quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ, số dân hiện tại vượt trên 90 triệu người và mục tiêu quy hoạch điện VII (điều chỉnh) vào năm 2020 sẽ đạt 265 tỷ kWh, đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh. Các số liệu trên đây đã minh chứng cho nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta rất lớn.

Trước viễn cảnh và nhu cầu thực tiễn này, thời gian qua Chính phủ đã ban hành một số chính sách, chương trình mục tiêu Quốc gia. Cụ thể là chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững với giá thành hợp lý.

Đây được xem là nền tảng cho sự định hướng, khuyến khích phát triển các loại hình đầu tư năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới một nền tăng trưởng năng lượng xanh, hiện đại.

Để thực hiện đúng chiến lược này thì việc phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp nhất vì ít rủi ro hơn, góp phần tăng cường nguồn cung trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu nước ngoài, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm tác động làm biến đổi khí hậu...

Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) - tiền thân là Công ty Cổ phần Thủy Điện Gia Lai Kon Tum, thành lập ngày 01.6.1989 và được tiến hành cổ phần hóa vào năm 2010. Ngày 18.01.2013, GEC chính thức là thành viên của Tập đoàn TTC - Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành. Đây là cột mốc mới trong chặng đường phát triển của Công ty với vai trò là đơn vị hạt nhân trong lĩnh vực năng lượng của Tập đoàn TTC.

Với bề dày kinh nghiệm hơn 28 năm hoạt động trong lĩnh vực năng lượng (Sản xuất, truyền tải, phân phối điện - năng lượng tái tạo, cơ điện, xây dựng; Dịch vụ kỹ thuật, tư vấn và giám sát thi công…), đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội, thời gian qua GEC đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch bằng việc thực hiện thí điểm mô hình điện mặt trời tại một số địa phương như: Huế, Gia Lai, Bình Thuận, Long An, Bình Định, Bến Tre…

GEC kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống lưới điện quốc gia, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, chung tay vào nỗ lực chung của toàn cầu trong việc hạn chế sự nóng lên của trái đất.