Nasdaq và S&P 500 lập kỷ lục mới nhờ dữ liệu việc làm khả quan, giá dầu tăng trở lại
Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư vẫn ít nhiều thận trọng khi biến chủng Delta lây lan nhanh và trước thềm báo cáo việc làm tháng 7 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu...
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (5/8), nhờ loạt kết quả kinh doanh rực rỡ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm xuống.
Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư vẫn ít nhiều thận trọng khi biến chủng Delta lây lan nhanh và trước thềm báo cáo việc làm tháng 7 dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 31/7 giảm 14.000 so với tuần trước, còn 385.000. Số lao động bị các chủ sử dụng lao động sa thải trong tuần cũng giảm xuống mức thấp nhất hơn 21 năm, do doanh nghiệp cố giữ nhân công trong bối cảnh thiếu người làm.
“Tình hình thất nghiệp tiếp tục cải thiện trong mấy tuần gần đây, và số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang ở mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch”, nhà quản lý danh mục Keith Buchanan thuộc Globant Investments nhận xét. “Tôi cho rằng đó là nhân tố dẫn tới sự lạc quan của ngày hôm nay, bên cạnh tình hình lợi nhuận tính đến thời điểm này là rất tích cực”.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 9 nhóm chốt phiên trong trạng thái tăng.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới bản báo cáo việc làm tháng 7 mà Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Giới phân tích nói rằng một con số gây thất vọng có thể đặt ra câu hỏi về sự phục hồi của nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Cổ phiếu ứng dụng giao dịch chứng khoán Ronbinhood giảm 27,6%, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp đưa giá cổ phiếu này tăng gấp đôi so với giá chào sàn.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,78%, đạt 35.064,25 điểm. S&P 500 tăng 0,6%, đạt 4.429,1 điểm. Nasdaq tăng 0,78%, đạt 14.895,12 điểm.
Mối lo về tăng trưởng kinh tế chậm lại, làn sóng Covid mới do biến chủng Delta ở Mỹ, và lạm phát tăng đã gây áp lực lên S&P 500 thời gian gần đây. Tuy nhiên, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với những con số doanh thu và lợi nhuận “khủng” vẫn đưa chỉ số đi lên.
Phó chủ tịch Fed Richard Clarida, một “kiến trúc sư” quan trọng của chính sách tiền tệ tại Fed, hôm thứ Tư nói rằng ông cảm thấy các điều kiện để nâng lãi suấg có thể được đáp ứng trước cuối năm 2022. Điều này có nghĩa là Fed có thể nâng lãi suất từ năm 2023, và như thế, việc cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ phải bắt đầu trong năm nay.
Toàn thị tường có 8,86 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công phiên này, so với mức bình quân 9,63 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 2,06 lần số mã giảm; trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,26 lần.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đã tăng trở lại sau mấy phiên giảm liên tiếp. Căng thẳng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng, nhưng mức tăng bị hạn chế do mối lo biến chủng Delta có thể dẫn tới giảm tốc độ tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ dầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, đạt 71,35 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 69,12 USD/thùng.