NetApp: Vì sao doanh nghiệp cần lưu trữ dữ liệu hợp nhất?
Thay vì việc lưu trữ dữ liệu rời rạc, phân tán, các tổ chức doanh nghiệp cần lưu trữ dữ liệu hợp nhất, để bảo mật tốt hơn, dễ dàng khai thác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế dựa trên dữ liệu số. Dữ liệu và quản lý dữ liệu là chìa khóa thành công, đặc biệt trong nền kinh tế số...
Ông Hiếu Nguyễn, Giám đốc quốc gia NetApp Việt Nam đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về hiện trạng lưu trữ dữ liệu trong các doanh nghiệp hiện nay và tầm quan trọng của việc hợp nhất dữ liệu trong nền kinh tế số, chuyển đổi số.
Dữ liệu là yếu tố then chốt, nền tảng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số của các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu. Ông nhận xét gì về tình hình lưu giữ, sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, dữ liệu được coi như “trái tim” và là “mạch sống” của một doanh nghiệp. Việc đảm bảo sự sẵn sàng, bảo vệ và bảo mật dữ liệu ngày càng quan trọng khi các cuộc tấn công an ninh mạng đang diễn ra phức tạp.
Nếu không có dữ liệu, chuyển đổi số sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh. Thực trạng lưu trữ, ứng dụng dữ liệu trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là khá đa dạng và phức tạp. Một số doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu và đầu tư xây dựng hệ thống lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu hiệu quả.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa tận dụng hết tiềm năng của dữ liệu và gặp khó khăn trong việc chiết xuất giá trị từ dữ liệu đang có.
Hiện nay, 4 nhóm ngành có tỷ lệ sử dụng dữ liệu cao nhất là: Ngân hàng, Viễn thông, Dịch vụ tài chính và Thương mại điện tử. Những ngành này có nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn phục vụ kinh doanh, quản lý rủi ro, phân tích hành vi khách hàng, tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và bán hàng.
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng thương mại đều sử dụng NetApp, ngay cả các ngân hàng lớn, thuộc Big Four.
Để trở thành đơn vị tiên phong trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiên phong về dữ liệu. Tôi tin Việt Nam sẽ có mức phát triển nhanh và mạnh mẽ ở thị trường lưu trữ dữ liệu trong khu vực.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp lưu trữ đám mây từ các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng dữ liệu lưu trữ phân tán, rời rạc này, thưa ông? Đâu là yếu tố để doanh nghiệp cần ứng dụng giải pháp hợp nhất dữ liệu?
Để khắc phục tình trạng này, NetApp đưa ra hệ thống lưu trữ dữ liệu hợp nhất. Theo đó, toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp có thể tập trung tại 1 khu vực nhất định, giúp việc quản lý, vận hành, khai thác dễ dàng hơn.
Các sản phẩm của NetApp giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, hợp nhất dữ liệu một cách dễ dàng và đơn giản nhất. Trong đó, ưu điểm lớn nhất là toàn bộ các sản phẩm được chạy trên một nền tảng hệ điều hành.
Một hệ thống của khách hàng có hàng chục hệ thống dữ liệu khác nhau. Mỗi hệ thống dữ liệu chạy trên một nền tảng hệ điều hành khác nhau nên việc tích hợp, quản lý rất phức tạp.
Tuy nhiên, với NetApp chỉ chạy trên một nền tảng, một hệ điều hành nên việc tích hợp dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi doanh nghiệp muốn mở rộng hệ thống mới, giải pháp sẽ liên kết với hệ thống cũ và tất cả dữ liệu tạo thành một kho dữ liệu chung trên cùng một nền tảng.
Hơn thế, hệ điều hành ONTAP của NetApp còn được mở rộng trên cả ba nền tảng đám mây công cộng lớn nhất như Amazon FSx for NetApp ONTAP, Microsoft Azure NetApp Files, và Google Cloud NetApp Volumes, giúp khách hàng có trải nghiệm hợp nhất cho dữ liệu ở bất cứ đâu có thể là on-premise, hybrid cloud hoặc hybrid multicloud.
Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp có nhu cầu dữ liệu lớn và ứng dụng AI phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ, marketing, sản xuất kinh doanh như ngân hàng, viễn thông… để đánh giá xu hướng, thói quen, hành vi người dùng, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa.
Đơn cử như doanh nghiệp ứng dụng AI cần một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Khi thông tin dữ liệu đầu vào càng hợp nhất, đầy đủ, AI siêu tính toán sẽ phân tích cho kết quả, đánh giá, hỗ trợ ra quyết định càng chính xác. Muốn vậy, cần phải có một hệ thống dữ liệu tập trung và lớn, thậm chí trên một điểm truy cập duy nhất.
Dịch vụ dữ liệu tích hợp sẽ là công cụ trợ giúp các doanh nghiệp thu được giá trị cao nhất từ dữ liệu của mình.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang đám mây là vấn đề an toàn và bảo vệ dữ liệu. Khi đề xuất giải pháp tích hợp dữ liệu, NetApp đã dự báo và giải quyết như thế nào vấn đề an toàn và bảo vệ dữ liệu trên “1 nền tảng”?
Việc hợp nhất dữ liệu không chỉ giúp quản lý, vận hành, khai thác dễ dàng hơn mà dữ liệu còn được bảo vệ an toàn hơn. Khi dữ liệu được tập trung, hợp nhất thành một hệ thống sẽ có điều kiện tập trung bảo vệ mạnh hơn, hiệu quả hơn là khi phân tán. NetApp đã tập trung gia cố chắc chắn hơn bảo vệ dữ liệu trên một phạm vi tập trung nhất định. Do vậy, việc bảo vệ dữ liệu trở nên đáng tin cậy hơn.
Hệ thống Data Center của khách hàng sẽ có hệ thống bảo vệ bên ngoài từ hệ thống mạng, hệ thống máy chủ và lớp bảo vệ dữ liệu bên trong. Giải pháp hợp nhất dữ liệu của NetApp cho phép dữ liệu tự mã hóa để bảo vệ. Nếu khi bị xâm nhập từ bên ngoài, dữ liệu tự động chống lại việc bị đánh cắp bằng mã hóa dữ liệu 1 cách an toàn.
Bên cạnh đó, NetApp có phần mềm quản trị dữ liệu cho phép phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn. Phần mềm sẽ dò ra những thay đổi bất thường và cảnh báo quản trị mạng và quản trị dữ liệu biết những nguy cơ.
Thậm chí ngay cả khi dữ liệu đã bị tấn công, NetApp cũng cho phép khôi phục dữ liệu đó 100% với giải pháp All-Flash. Với hệ thống hạ tầng hợp nhất, giải pháp của NetApp góp phần khắc phục hiện trạng dữ liệu của khách hàng phân tán và thiếu chuyên nghiệp trong quản lý, giúp vận hành dữ liệu hiệu quả.
Các sản phẩm của NetApp luôn nằm trong Top 3 về giải pháp liên quan đến dữ liệu của Partner.