20:06 27/09/2021

Nếu đảm bảo lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp FDI sẽ tăng vốn vào Việt Nam

Anh Nhi

Bất chấp diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 thứ tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam…

Dịch Covid-19 tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam. Tuy vậy, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm.

VẪN LÀ ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/9/2021, tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ) và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Mức tăng mạnh của 2 cấu phần vốn này đã bù đắp phần nào mức giảm mạnh (43,8%)  của phần vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại. Theo đó, vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần 9 tháng đầu năm vẫn tăng 4,4% so với cùng kỳ.  

Nếu đảm bảo lưu thông hàng hóa,  doanh nghiệp FDI sẽ tăng vốn vào Việt Nam - Ảnh 1

Nhận định về kết quả thu hút FDI 9 tháng đầu năm tại Tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/9 với chủ đề “Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nhưng thu hút đầu FDI của Việt Nam vẫn tăng. Điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện Samsung Việt Nam đang đẩy mạnh việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với tổng vốn đầu tư hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Dự kiến, Trung tâm này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.

“Dù dịch bệnh, xuất khẩu của Samsung vẫn tăng trong những tháng đầu năm. Nếu nhà máy Samsung tại TP.HCM sớm hoạt động trở lại thì hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh và cho rằng nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.

Nếu đảm bảo lưu thông hàng hóa,  doanh nghiệp FDI sẽ tăng vốn vào Việt Nam - Ảnh 2

Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.

“Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu”, đại diện Samsung Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.

“Việt Nam là cơ sở sản xuất chính của tập đoàn vì vậy chúng tôi quyết định mở rộng nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai”, ông Binu Jacob.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ NHÀ ĐẦU TƯ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư thông qua cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

“Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và các đợt giãn cách xã hội gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ đã lắng nghe các kiến nghị của nhà đầu tư, giao các bộ, ngành, địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, Thứ trưởng nói.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc triển khai các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 105 và đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng. Cùng với đó, các địa phương cần xây dựng, công bố ngay mô hình phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trở lại trong bối cảnh mới.

Nếu đảm bảo lưu thông hàng hóa,  doanh nghiệp FDI sẽ tăng vốn vào Việt Nam - Ảnh 3

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người lao động tại các doanh nghiệp đã được đưa vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine để hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất hiệu quả.

“Đối với vấn đề thích ứng, an toàn với dịch bệnh, Bộ Y tế đang lấy ý kiến và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất”, ông Tuyên nói.

Ơ góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong lựa chọn phương án phục hồi sản xuất.

“Chúng tôi trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an toàn chống dịch, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.