09:05 06/07/2022

Nga chuẩn bị khóa van đường ống khí đốt tuần tới, Đức như “ngồi trên đống lửa”

Đức Anh

Nord Stream 1 - đường ống khí đốt chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức - dự kiến được bảo trì từ ngày 11-21/7. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh các chính phủ châu Âu đang vật lộn để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất, trong nỗ lực cung cấp đủ nhiên liệu cho các hộ gia đình để chiếu sáng và sưởi ấm vào mùa đông sắp tới...

Nga sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và mô tả tình hình hiện tại là một "cuộc khủng hoảng nhân tạo" do châu Âu gây ra - Ảnh: Getty Images
Nga sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và mô tả tình hình hiện tại là một "cuộc khủng hoảng nhân tạo" do châu Âu gây ra - Ảnh: Getty Images

Nga đang chuẩn bị tạm dừng hoạt động tạm thời đối với đường ống Nord Stream 1 – công trình vận chuyển khí đốt lớn nhất của Liên minh Châu Âu (EU) - để tiến hành bảo trì thường niên.

NGUY CƠ GIÁN ĐOẠN DÒNG CHẢY KHÍ ĐỐT NGHIÊM TRỌNG HƠN

Việc này làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nghiêm trọng hơn nữa với nguồn cung khí đốt sang châu Âu, làm suy yếu những nỗ lực chuẩn bị cho mùa đông của khối này.

Theo CNBC, một số nhà phân tích thậm chí sợ rằng điện Kremlin có thể lợi dụng việc bảo trì theo kế hoạch này để ngừng cung cấp khí đốt. Nord Stream 1 là đường ống khí đốt chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức. Các hoạt động bảo trì mùa hè với đường ống này dự kiến diễn ra từ ngày 11-21/7.

 

Khi công tác bảo trì được tiến hành, khí đốt sẽ ngừng vận chuyển. Chúng tôi không loại trừ khả năng việc vận chuyển khí đốt sẽ không được nối lại sau đó vì lý do chính trị.

KLAUS MUELLER, CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG LIÊN BANG ĐỨC

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh các chính phủ châu Âu đang vật lộn để lấp đầy các kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất, trong nỗ lực cung cấp đủ nhiên liệu cho các hộ gia đình để chiếu sáng và sưởi ấm vào mùa đông sắp tới.

EU, với 40% khí đốt tiêu thụ trong khối đến từ các đường ống của Nga, đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga nhanh nhất có thể trong khi áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm phản ứng với cuộc chiến do Moscow khởi xướng tại Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay.

Nhận định với CNBC, ông Klaus Mueller, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức (Bundesnetzagentur), cho rằng Nga có thể tiếp tục siết nguồn cung khí đốt sang châu Âu sau thời gian bảo trì đường ống Nord Stream 1.

“Khi công tác bảo trì được tiến hành, khí đốt sẽ ngừng vận chuyển. Chúng tôi không loại trừ khả năng việc vận chuyển khí đốt sẽ không được nối lại sau đó vì lý do chính trị”, ông Mueller nhận định.

Đồng quan điểm, các nhà phân tích tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng, nếu nguồn cung không được nối lại sau cuộc bảo trì đường ống vì Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn trả đũa châu Âu, thì kế hoạch bổ sung khí đốt dự trữ vào cuối mùa hè này của EU có thể không thực hiện được.

Đường ống Nord Stream 1 thuộc sở hữu đa số của công ty khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga.

Theo ông Henning Gloystein - giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, một mối lo lớn của các nhà hoạch định chính sách EU là họ “hầu như không biết điều gì sẽ xảy ra” bởi vì hầu hết các liên lạc với Gazprom đã bị cắt đứt. Trước tháng 5, hoạt động liên lạc vẫn tương đối mở và diễn ra thường xuyên.

Những tuần gần đây, dòng khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu nhận được sự quan tâm lớn trong bối cảnh lo ngại về sự gián đoạn gia tăng. Nga đã giảm khoảng 60% lượng khí đốt sang châu Âu và hiện chưa rõ khi nào và liệu đường ống Nord Stream 1 có trở lại mức như bình thường sau bảo trì hay không. Gazprom trước đó nói rằng việc lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống này sụt giảm là do thiết bị được gửi đi bảo trì ở Canada bị chậm trễ.

Người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dmitry Peskov trước đó tuyên bố Nga sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và mô tả tình hình hiện tại là một "cuộc khủng hoảng nhân tạo" do châu Âu gây ra.

Sau đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã bác bỏ tuyên bố này và nói rằng việc Nga hạn chế nguồn cung khí đốt là một "quyết định mang tính chính trị", được đưa ra nhằm gây bất ổn cho khu vực và làm tăng giá khí đốt.

ĐIỂM NÓNG KHỦNG HOẢNG KHÍ ĐỐT Ở CHÂU ÂU

Cuối tháng trước, Đức đã chuyển sang "mức cảnh báo" – cấp độ hai trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp của mình. Biện pháp này đồng nghĩa rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhận thấy nguy cơ cao xảy ra thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt trong dài hạn nhưng tin rằng thị trường vẫn có thể kiểm soát được sự gián đoạn mà không cần can thiệp.

Theo Eurasia Group, nếu ông Putin chỉ đạo cắt nguồn cung khí đốt sau thời gian bảo trì Nord Stream 1 – điều mà ông Gloystein mô tả là một kịch bản "chiến tranh kinh tế tối đa" – thì Đức có thể sẽ buộc phải chuyển sang cấp độ ba trong kế hoạch khí đốt khẩn cấp của mình. Ở cấp độ này, cơ quan quản lý năng lượng Bundesnetzagentur của Đức sẽ phải quyết định tìm tới các nguồn cung khí đốt trên toàn cầu.

bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp nội các hàng tuần vào ngày 1/7/2022 - Ảnh: Getty Images
bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp nội các hàng tuần vào ngày 1/7/2022 - Ảnh: Getty Images

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức cho biết Chính phủ Đức đang tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thị trường khí đốt trước khi công tác bảo trì đường ống đường tiến hành.

"An ninh nguồn cung khí đốt hiện vẫn được đảm bảo, nhưng tình hình khá nghiêm trọng”, người này cho biết. “Hiện tại, chúng tôi vẫn có thể mua khí đốt trên thị trường dù giá cao. Việc lưu trữ vẫn đang được tiếp tục. Chúng tôi đang trao đổi điều này với các thương nhân - những người cũng đang chuẩn bị cho thời gian bảo trì”.

Theo ông Gloystein của Eurasia Group, Đức đã trở thành “điểm nóng” của toàn EU.

“Đức là quốc gia có dân số lớn nhất và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đây cũng là nước tiêu thụ nhiều khí đốt nhất và là khách hàng nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga. Đức và Nga có 9 đường biên giới đất liền với nhau. Vì vậy, những điều xảy ra với Đức sẽ lây lan sang toàn châu Âu”, ông Gloystein phân tích.

Trên thực tế, không chỉ các nhà chức trách của Đức mới quan ngại sâu sắc về nguy cơ nguồn cung khí đốt bị cắt giảm thêm nữa.

Tại Italy, khách hàng mua khí đốt lớn thứ hai của Nga, tuần trước Chính phủ thông báo đã cho công ty nhà nước Gestore dei Servizi Energetici vay 4 tỷ Euro (tương đương 4,2 tỷ USD) để mua khí đốt để tăng dự trữ.

Đức, Italy, Áo và Hà Lan đều tỏ ý có thể sử dụng các nhà máy đốt than để bù đắp cho nguồn cung khí đốt sụt giảm từ Nga.

Ông Gloystein cho rằng ít khả năng việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ ngừng hoàn toàn trong phần còn lại của năm nay, bởi vì động thái đó có thể mẫu thuẫn với những điều mà Moscow tuyên bố trước đây. Điện Kremlin trước đó nói rằng việc giảm cung ứng khí đốt là do “các yếu tố kỹ thuật” và các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Bên cạnh đó, việc duy trì ít nhất một số dòng chảy khí đốt cũng sẽ giúp Nga được hưởng lợi từ giá cao và có lựa chọn để giảm nguồn cung mạnh hơn vào cuối năm – động thái nhằm trả đũa cho các đề xuất áp trần giá dầu hoặc khí đốt của phương Tây.