Nga lại bơm khí đốt qua Nord Stream 1, khủng hoảng năng lượng châu Âu vẫn “căng”
Động thái này diễn ra vào ngày 21/7, đúng thời hạn của cuộc bảo trì hàng năm kéo dài 10 ngày, giúp châu Âu tạm “thở phào” sau những ngày lo sợ cao độ về một sự gián đoạn dòng chảy khí đốt kéo dài...
Nga đã nối lại việc bơm khí đốt qua đường ống lớn nhất dẫn khí đốt Nga tới châu Âu Nord Stream 1. Động thái này diễn ra vào ngày 21/7, đúng thời hạn sau cuộc bảo trì hàng năm kéo dài 10 ngày, giúp châu Âu tạm “thở phảo” sau những ngày lo sợ cao độ về một sự gián đoạn dòng chảy khí đốt kéo dài.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, việc đường ống chạy ngầm qua biển Baltic hoạt động trở lại vẫn chưa đủ để chấm dứt hoàn toàn nỗi lo của châu Âu về nguy cơ thiếu khí đốt và phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay.
Nord Stream 1 ngừng hoạt động từ hôm 11/7 để bảo trì. Nhưng từ trước khi tạm dừng, dòng chảy khí đốt qua đường ống này đã tụt về mức chỉ còn 40% công suất, trong bối cảnh Nga và phương Tây căng thẳng vì cuộc chiến tranh Ng-Ukraine.
Khả năng gián đoạn thêm nguồn cung khí đốt là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, vì Nga sẽ còn tăng sức ép kinh tế và chính trị lên châu Âu khi mùa đông đến gần.
Sau khi Nord Stream 1 hoạt động trở lại vào ngày 21/7, dòng chảy khí đốt vẫn ở mức 40% công suất của đường ống. Trước đó 1 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung có thể giảm thêm, hoặc thậm chí là dừng chảy hoàn toàn.
Việc nguồn cung khí đốt qua Nord Stream được nối lại ở mức thấp hơn nhiều so với công suất đồng nghĩa rằng Đức - một quốc gia có mức độ phụ thuộc rất lớn vào năng lượng Nga – và các nền kinh tế châu Âu khác sẽ tiếp tục trầy trật để tìm đủ khí đốt cho mùa đông này.
“Xét tới mức giảm 60% công suất của đường ống và thế bế tắc chính trị hiện nay, chưa có lý do gì để tin rằng mọi chuyện đã ổn”, Chủ tịch cơ quan vận hành mạng lưới khí đốt của Đức, ông Klaus Mueller, viết trên Twitter.
Dòng chảy khí đốt đi qua các tuyến đường ống khác, chẳng hạn đi qua Ukraine, đã giảm nhiều kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Đức và một số quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt. Giai đoạn cuối của kế hoạch này bao gồm việc chia khẩu phần khí đốt. Hy Lạp ngày 21/7 tuyên bố sẽ tiến hành cắt điện luân phiên nếu cần thiết.
Mục tiêu của EU là làm đầy 80% dự trữ khí đốt trước ngày 1/11. Nhưng đến hiện tại, dự trữ khí đốt của khối này mới đầy 2/3, và tốc độ làm đầy ngày càng chậm lại. Vì lý do này, cơ quan vận hành mạng lưới khí đốt của Đức cho biết Đức sẽ gặp khó trong việc đạt mục tiêu dự trữ khí đốt của mình là đạt 95% trước ngày 1/11. Berlin cũng nói sẽ triển khai thêm các biện pháp khác để tiết kiệm khí đốt.
Cho tới nay, Nga vẫn bác bỏ các cáo buộc của EU cho rằng nước này đang “vũ khí hoá” năng lượng. Moscow nói rằng sự giảm dòng chảy khí đốt sang châu Âu chẳng qua là do vấn đề kỹ thuật và do một số đoạn đường ống đi qua Ukraine bị quân Ukraine làm hỏng.
“Khả năng gián đoạn thêm nguồn cung khí đốt là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, vì Nga sẽ còn tăng sức ép kinh tế và chính trị lên châu Âu khi mùa đông đến gần”, nhà phân tích Penny Leake của Wood Mackenzie nhận định.
Để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng khí đốt leo thang trong mùa đông năm nay, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề xuất tất cả các quốc gia thành viên EU tự nguyên cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022-3/2023 so với bình quân cùng kỳ 2016-2021. Đề xuất này của EC có thể trở thành một mục tiêu bắt buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung.
“Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng làm vũ khí”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói hôm 20/7, và nói thêm rằng châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Cho tới nay, Nga vẫn bác bỏ các cáo buộc của EU cho rằng nước này đang “vũ khí hoá” năng lượng. Moscow nói rằng sự giảm dòng chảy khí đốt sang châu Âu chẳng qua là do vấn đề kỹ thuật và do một số đoạn đường ống đi qua Ukraine bị quân Ukraine làm hỏng. “Đó hoàn toàn là một tuyên bố sai sự thật”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 20/7, đáp trả tuyên bố của bà von der Leyen.
Hôm 20/7, ông Putin khiến châu Âu lo ngại thêm khí nói rằng dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 có thể giảm sâu hơn, hoặc thậm chí dừng do chất lượng của các linh kiện được đem đi bảo trì. Ông cũng nói một số bộ phận khác của đường ống có thể cần phải được bảo trì.
Uniper – công ty nhập khẩu khí đốt của Đức đang chờ được Chính phủ nước này giải cứu – nói rằng Gazprom chỉ bơm khí đốt ở mức khoảng 40% khối lượng hợp đồng. Hãng OMV của Áo cho biết Gazprom phát tín hiệu sẽ chỉ bơm khí đốt trở lại bằng một nửa mức đã ký kết.
Hãng ENI của Italy cho biết sẽ nhận được 36 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Gazprom, tăng hơn 1/3 so với mức trong thời gian gián đoạn vừa qua, và gần bằng mức trước khi Nord Stream 1 bảo trì.