12:09 24/03/2022

Hai hãng lọc dầu hàng đầu Nhật Bản ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga

Phương Linh

Hai công ty lọc dầu hàng đầu của Nhật Bản - Eneos Holdings và Idemitsu Kosan vừa thông báo sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga sau khi hoàn tất các hợp đồng hiện tại...

Tháng 1/2022, Nhật nhập khẩu khoảng 13,3 tỷ lít dầu thô, trong đó khoảng 4,3% từ Nga - Ảnh: Reuters
Tháng 1/2022, Nhật nhập khẩu khoảng 13,3 tỷ lít dầu thô, trong đó khoảng 4,3% từ Nga - Ảnh: Reuters

Bên cạnh áp lực tẩy chay Nga do cuộc chiến tại Ukraine, nguyên nhân được đưa ra là các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Moscow gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hai công ty.

Theo người phát ngôn của Idemitsu, công ty này dừng mua dầu thô từ Nga do “quan ngại về những gián đoạn trong khâu hậu cần và thanh toán”.

“Dầu thô Nga chiếm khoảng 4% trong tổng lượng dầu nhập khẩu của công ty trong giai đoạn từ tháng 4-11/2021. Chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì về nguồn cung”, đại diện Idemitsu nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Tsutomu Sugimori của Eneos nói rằng công ty đã dừng ký các hợp đồng mới với phía đối tác Nga kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp cứt đứt quan hệ làm ăn với Nga do khó khăn trong việc vận hành cũng như áp lực từ khách hàng”, ông Sugimori cho biết tại một cuộc họp báo hôm 22/3. “Những hợp đồng nhập khẩu dầu từ Nga trong tháng 2 sẽ vẫn được thực hiện. Tuy nhiên sau đó, Eneos sẽ nhập khẩu từ Trung Đông để thay thế dầu từ Nga”.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, trong tháng 1 năm nay, nước này nhập khẩu khoảng 13,3 tỷ lít dầu thô, trong đó khoảng 4,3% từ Nga. Hơn 90% nhập khẩu dầu khô của Nhật đến từ khu vực Trung Đông. Hiện Nhật  đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung dầu thô để giảm sự phụ thuộc vào khu vực này.

Trước đó, Nhật Bản cùng Mỹ và nhiều nước châu Âu đến nay đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Nhật Bản - với vai trò một nước thuộc nhóm G7 - đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính của Nga cũng như hoạt động xuất khẩu chip, tước bỏ trạng thái đối tác thương mại "tối huệ quốc" (Most Favoured Nation) đối với Nga, đóng băng tài sản được cho là thuộc sở hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin...

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/3 cho biết nước này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt các hành động thù địch trong Thế chiến thứ hai. Moscow cho rằng Nhật Bản “có quan điểm thù địch công khai và cố gắng gây tổn hại đến lợi ích của Nga”.

Ngoài việc rút khỏi các cuộc đàm phán về hòa bình, Nga sẽ chấm dứt việc cho phép công dân Nhật đi lại miễn thị thực tới các hòn đảo trên - được gọi là Lãnh thổ phía Bắc tại Nhật và Nam Kurils tại Nga. Bên cạnh đó, Moscow cũng dự định rút khỏi các cuộc thảo luận về hoạt động kinh tế chung tại các hòn đảo này và dự kiến không xem Nhật là đối tác của Nhật trong khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Biển Đen.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: JP Times
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - Ảnh: JP Times

Phản ứng trước động thái này của Nga, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng thông báo của Moscow là “bất công và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nhật Bản sẽ phản đối mạnh mẽ”.

“Bất chấp thực tế rằng tình huống này gây ra bởi cuộc tấn công vào Ukraine, Moscow đang cố gắng chuyển nó sang quan hệ Nga – Nhật. Chúng tôi không thể chấp nhận điều này”, ông Kishida nói và cho biết thêm rằng các biện pháp trừng phạt liên quan tới hành động của Nga ở Ukraine phải “được thực thi quyết liệt và liên tục với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế”.

Hiện tại, mặc dù Mỹ đã ra quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, Nhật Bản vẫn giữ quan điểm thận trọng do lo ngại việc này có thể đẩy giá nhiên liệu trong nước tăng cao và ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân.

Đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Kishida nói Washington hiểu rằng nhiều nước đồng minh của Mỹ không ở trong vị thế có thể cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga như một biện pháp trừng phạt. Ông khẳng định Tokyo muốn hợp tác với các nước thành viên khác của Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và cộng đồng quốc tế để xử lý vấn đề này, trong bối cảnh nguồn cung và an ninh năng lượng là mối quan tâm cao nhất của Nhật Bản.