18:20 06/08/2021

Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản cứu nguy thu ngân sách

Ánh Tuyết

Ngành thuế thu ngân sách 7 tháng vượt 13% so với cùng kỳ nhưng nếu loại trừ yếu tố gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến, tổng thu chỉ tăng 1,3%. Ngành Thuế đang lo hụt thu ngân sách nội địa…

Thu thuế hưởng lợi từ tăng trưởng của ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô...
Thu thuế hưởng lợi từ tăng trưởng của ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô...

Trong thông tin mới công bố về kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước tháng 07/2021 và lũy kế 7 tháng năm 2021 do ngành Thuế thực hiện, Tổng cục Thuế lo ngại diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần. Thu thuế phí nội địa duy trì đà tăng 6 tháng đầu năm, nhưng đến tháng tháng 7 ước giảm 10,4% so với tháng trước.

Theo đó, tháng 7/2021, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng, bằng 9,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 103,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 7 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

4 NGUỒN THU ĐỘT BIẾN "CỨU NGUY" NGÂN SÁCH

Trong tổng thu ngân sách ngành thuế, thu từ dầu thô ước đạt 22.023 tỷ đồng, bằng 94,9% so với dự toán, bằng 95% so với cùng kỳ. Giá dầu thô bình quân ước đạt 60,8 USD/thùng, bằng 135,1% so với giá dự toán, bằng 125,1% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 5,55 triệu tấn, bằng 69,2% dự toán, bằng 95,1% so với sản lượng cùng kỳ. Số thu 7 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ chủ yếu do cùng kỳ phát sinh khoản thu từ kết dư chi phí của Liên doanh Vietsovpetro.

Về thu nội địa, ước đạt 741.781 tỷ đồng, bằng 67,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 590.373 tỷ đồng, bằng 66,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn, miễn, giảm thuế thì tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Nguồn: Tổng cục Thuế
Nguồn: Tổng cục Thuế

Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm đạt khá, chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020. Trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

 
"Diễn biến thu qua các tháng có xu hướng giảm dần và đặc biệt giảm nhanh từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 đến nay. Thu thuế phí nội địa từ mức tăng 15,9% ở thời điểm tháng 4, đến tháng 6 chỉ còn tăng 5,6%, tháng 7 ước giảm 10,4%.
Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến, tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%".

Tổng cục Thuế.

Cụ thể, khối các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đạt khá, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi ở mức cao. Đồng thời, các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ như dịch vụ ngân hàng số, thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn… cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro, góp phần tăng lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại.

Nhờ đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp quý 4 và nộp sau quyết toán của các ngân hàng tăng cao. Lũy kế 7 tháng đầu năm tăng khoảng 72,9% so với cùng kỳ tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.

Khối thị trường bất động sản có được đà tăng trưởng từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng, làm tăng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản khoảng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng cao, theo đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này gấp 2,6 lần cùng kỳ tương đương với tăng khoảng 3.500 tỷ đồng.

Một điểm nổi bật nữa, là công tác thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tiếp đà kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ. Theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 01/2021, dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng...

CHỐNG GIAN LẬN NHƯNG PHẢI NUÔI DƯỠNG NGUỒN THU

Tổng cục Thuế đánh giá, trong những tháng cuối năm, kinh tế nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...

 
“Năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, phụ thuộc lớn vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Áp lực lạm phát trong trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, nếu dịch bệnh không được sớm kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế và thu ngân sách trong thời gian tới”.
Tổng cục Thuế.

Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, cơ quan thuế các cấp cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho ngân sách.

Nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.

Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân, để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tổ chức dự báo sát tình hình phát triển nền kinh tế và khả năng thu ngân sách năm 2021 trên cả nước và từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả.

Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực, để người nộp thuế nắm bắt kịp thời và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào ngân sách. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.

Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, giao dịch liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, các giao dịch đáng ngờ.

Thứ bảy, tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý thu nợ thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp.

 
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
“Trong lộ trình cải cách thuế, tái cấu trúc nguồn thu ngân sách, sẽ hướng đến giảm các nguồn thu không có tính chất bền vững, không thể hiện hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Trong đó, các khoản như thu từ dầu thô, từ bán đất… đều thuộc diện không khuyến cáo. Thay vào đó, sẽ tập trung vào thu thuế từ những hoạt động mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Hiện nay, chính sách tài khoá đang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giãn, hoãn, miễn, giảm các nhiệm vụ đóng góp, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Hay những khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc, người lao động tự do không việc làm, hộ gia đình kinh doanh không nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp để trả lương cho người lao động trong thời gian dừng việc. Tất cả những chính sách này đều làm hụt thu ngân sách.
Nhưng chính sách tài khóa trúng, đúng sẽ giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo tiềm lực tài chính để doanh nghiệp phục hồi. Chúng ta cần tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp, để không chỉ chống chọi với đại dịch, mà có nguồn lực để theo kịp đà mở cửa của nền kinh tế thế giới. Hụt thu trước mắt, nhưng nuôi dưỡng được nguồn thu lâu dài khi dựa vào khả năng phát triển, phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế”.

 

 
PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính.
PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính.
“Áp lực cân đối ngân sách nhà nước rất lớn. Dù vậy, những doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đối tượng dễ tổn thương nhất, vì không trường vốn. Nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp vẫn trả tiền thuê mặt bằng, lãi suất vay vốn, nếu doanh ngiệp vốn ngắn thì rất khó khăn.
Cần tiếp tục thực hiện các chính sách chi ngân sách an sinh xã hội, bổ sung các chính sách giảm cước viễn thông, hỗ trợ giảm tiền điện. Trong giai đoạn người lao động làm việc tại nhà để phòng chống Covid, chi phí sử dụng cước viễn thông nhiều hơn, nhu cầu sử dụng điện cao hơn, thì những chính sách này rất thiết thực”.