18:42 25/07/2023

Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tín dụng

Hoàng Lan

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để đảm bảo ổn định tỷ giá, nếu có điều kiện sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành; đồng thời chuyển đổi cơ cấu tín dụng sang các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…

Phó  Thống  đốc Ngân hàng Nhà nước Đào  Minh Tú.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” ngày 25/7, các chuyên gia đã khái quát một số nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước xác định thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ chính của ngành trong những tháng còn lại của năm 2023.

KHÓ KHĂN CHUYỂN ĐỔI SANG CHO VAY QUẢN LÝ DÒNG TIỀN

Theo các chuyên gia, cầu  tín dụng giảm do cầu đầu tư, cầu tiêu dùng cả trong nước và quốc tế đều giảm. Từ đó, dẫn đến tồn kho của hàng hóa tăng lên, đơn hàng giảm. Ngay các ngân hàng thương mại cũng đang dư vốn khả dụng nhưng rất khó cho vay. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vì vậy, gỡ khó cho doanh nghiệp cũng là tháo gỡ cho các ngân hàng. 

 

"Có 25% doanh nghiệp thuộc hiệp hội phản ánh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và đâu đó vẫn còn tình trạng gây khó dễ của nhân viên tín dụng".

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Một số chính sách trong thời gian qua còn cầm chừng và chưa có mối quan hệ chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ. Chính sách phát triển thị trường, chính sách tài khóa, chính sách cho vấn đề xuất khẩu tiêu thụ…. chưa đồng bộ, tích cực. Ví dụ vừa qua chính sách thúc đẩy xuất khẩu lương thực chưa thuyết phục. Trong bối cảnh xung đột Nga – Ucraina kéo dài, Ấn Độ vừa rồi còn tạm thời không xuất khẩu gạo thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vô cùng thuận lợi. Lẽ ra, các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay thu mua, tạm trữ lúa gạo... Tuy nhiên, do phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy nên bỏ lỡ thời cơ.

Quan điểm tiếp cận, nhìn nhận vấn đề trong điều hành chính sách vĩ mô còn nhiều chỗ chưa trúng, chưa đúng. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong triển khai, cả trung ương lẫn chính quyền địa phương.

Đại  diện ngân hàng/doanh nghiệp thảo luận các giải pháp kích cầu tín dụng.
Đại  diện ngân hàng/doanh nghiệp thảo luận các giải pháp kích cầu tín dụng.

Bổ sung thêm nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng do tác động từ (i) sự trầm lắng của thị trường bất động sản và (ii) kênh dẫn vốn trung, dài hạn kém tích cực.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, có 25% doanh nghiệp thuộc hiệp hội phản ánh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và đâu đó vẫn còn tình trạng gây khó dễ của nhân viên tín dụng.

 

"Bình thường nếu kênh trái phiếu ổn định, tăng trưởng; dự án được hoàn thiện sớm thì sẽ kéo được kênh vốn ngắn hạn. Tín dụng ngân hàng là kênh vốn ngắn hạn, bây giờ không thể bắt nó thay cho kênh tín dụng dài hạn được. Nếu vậy, rủi do quá lớn đối với hệ thống ngân hàng".

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn cho vay chủ yếu dựa trên tài sản bảo đảm trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản để thế chấp. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm nhưng không được.

Lý giải về tình trạng này, ông Đào Minh Tú cho rằng, từ nhiều năm nay có tình trạng doanh nghiệp không minh bạch dòng tiền, minh bạch báo cáo tài chính khiến cho ngân hàng cũng phòng thủ. Cho nên, rất khó để ngân hàng chuyển từ trạng thái cho vay bằng tài sản bảo đảm sang trạng thái cho vay dựa trên quản lý dòng tiền hay tín chấp.

“Nhiều đại biểu cũng nói doanh nghiệp cứ có hai báo cáo tài chính. Báo cáo gửi thuế thì cứ lỗ để nộp thuế ít còn báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng thì báo lãi lớn để vay được nhiều. Đây là thực tế từ xưa đến nay vẫn có. Đặc biệt, với các doanh nghiệp chưa có kiểm toán, chưa phải công khai báo cáo tài chính thì hay có chuyện đó. Khi chưa xác lập được niềm tin bền vững thì rất khó chuyển hình thức cho vay từ tài sản bảo đảm sang vay dựa trên quản lý dòng tiền. Tài sản bảo đảm vẫn là bảo bối của các ngân hàng khi cho vay”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc nhấn mạnh thẩm quyền cho vay bây giờ giao lại cho ngân hàng thương mại là chính, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng. Tín chấp, thế chấp hay quản lý dòng tiền hoàn toàn do các ngân hàng thương mại quyết định.

“Trong lúc này, ngân hàng và doanh nghiệp phải đặt mình vào hoàn cảnh của nhau để cùng chia sẻ. Phải có niềm tin, phải có chữ tín với nhau”, ông Tú nêu quan điểm.

Theo Phó thống đốc, doanh nghiệp báo cáo dòng tiền không minh bạch, giấu diếm thì chắc chắn ngân hàng phải thủ thế, cho nên các doanh nghiệp cần khắc phục điểm này. Ngược lại, ngân hàng cũng mạnh dạn tư vấn cho doanh nghiệp, nếu thấy người ta làm ăn công khai, minh bạch, uy tín thì mạnh dạn cho vay…

HƯỚNG TÍN DỤNG VÀO CÁC LĨNH VỰC ƯU TIÊN CỦA CHÍNH PHỦ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định Chính phủ, các bộ/ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước đang rất trăn trở, quyết liệt tìm các giải pháp để doanh nghiệp tồn tại được, vượt qua giai đoạn khó khăn này thì mới có công ăn việc làm cho người lao động. Qua đó, giữ được ổn định xã hội.

Theo Phó Thống đốc, thới gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa những công cụ để giữ ổn định cho nền kinh tế. Ví dụ như đảm bảo thanh khoản ổn định trên thị trường liên ngân hàng; quản lý tốt quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo ổn định tỷ giá. Đảm bảo điều hòa, cân đối, giải quyết tốt cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên cơ sở tiết giảm tối đa chi phí hoạt động.

“Tất nhiên giảm lãi suất có hai mặt. Làm sao phải hài hòa chứ không thể chỉ lo giải quyết các vấn trước mắt mà đánh đổi hậu quả trong trung/dài hạn. Thậm chí có cái chữa được, có cái không chữa được, hậu quả vô cùng lớn. Chẳng hạn như nợ xấu giai đoạn 2011-2012 kéo dài đến tận bây giờ, mà phải cần cả Nghị quyết 42 để xử lý”, ông Tú cho biết.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu tín dụng. Hiện nay, tín dụng cho bất động sản vẫn đang chiếm tỷ trọng cao.

“Tới đây, thông qua cơ chế, chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ định hướng tín dụng vào một số lĩnh vực chính gồm tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm; từ đó hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và nhà nước”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Cuối cùng, Phó thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện những cơ chế, chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.