Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý những ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất
Trong tuần vừa qua, không còn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Thậm chí, một vài ngân hàng đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến của thị trường và tình hình tăng trưởng tín dụng, lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung.
Thứ nhất, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước đã thông báo, tổ chức tín dụng chủ động cần đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn.
Đồng thời, tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghề cao); các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu); xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản; trong đó, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Thứ tư, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này", văn bản nêu rõ.
Hiện tại, cuộc đua tăng lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Trong tuần vừa qua, không còn ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Thậm chí, một vài ngân hàng đã công bố mức lãi suất mới thấp hơn nhiều so với trước đó như Saigonbank, BaoVietBank, MSB, OceanBank...
Động thái điều chỉnh trên của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội Ngân hàng Việt nam kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, bao gồm các khoản khuyến mại cộng lãi suất.
Trước đó, kể từ đầu năm 2022, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng lên. Xu hướng này được tiếp nối với tần suất nhiều hơn và cường độ lớn hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng 2 lần lãi suất điều hành.
Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên… Nhìn chung, so với cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
Để các tổ chức tín dụng yên tâm đồng thuận hạ lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường mở và mở lại kênh bán ngoại tệ. Tuy nhiên, sau khi bơm ròng khoản tiền lớn với kỳ hạn dài, thị trường đã ổn định và thậm chí xuất hiện sự dôi dư. Theo đó, nhà điều hành tiền tệ cũng đã bắt đầu phải mở kênh hút tiền về.