Các chủ thể đều e ngại gói hỗ trợ lãi suất 2%
Với tâm lý dùng tiền ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nếu chẳng may bị sai sót, các chủ thể từ cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cũng đều rất ngại triển khai gói hỗ trợ lãi suất...
Ngày 20/12, Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 với chủ đề: "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển". Tại đây, gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được mổ xẻ để tìm ra nguyên nhân gây tắc nghẽn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã nỗ lực có các giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý.
Cụ thể, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nguy cơ rủi ro cao nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, bản thân gói hỗ trợ lãi suất 2% không tạo nên động lực thực thi, bởi nguy cơ cao nhưng lợi ích rất nhỏ. Do đó, các ngân hàng thương mại không mặn mà.
Thừa nhận còn những hạn chế trong việc triển khai, theo ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước, qua thông tin khảo sát và nắm thông tin, chính doanh nghiệp cũng có tâm lý "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn này. E ngại vì sau này sẽ phải tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Hơn nữa, một rào cản khác là có những ngành nghề được vay, có ngành nghề lại không, dẫn tới những doanh nghiệp đa ngành nghề phải bóc tách cũng là cả vấn đề.
Thậm chí, dưới góc độ quản lý, ông Đôn cho rằng cơ quan nhà nước cũng có những rủi ro nhất định. Đặc biệt là việc hướng dẫn triển khai chính sách như thế nào cho đúng.
“Bản thân cơ quan nhà nước thực thi cũng sẽ phải chịu sự thanh tra, kiểm tra đối với chính cơ quan quản lý nhà nước khác. Để giảm thiểu rủi ro, cần có các đề xuất, hướng dẫn chi tiết hơn từ cơ quan có thẩm quyền”, ông Đôn chia sẻ.
Chung quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhìn nhận doanh nghiệp muốn vay vốn hỗ trợ vô cùng khó. Bởi lẽ, với yếu tổ chưa có tiền tệ, chính sách hướng dẫn còn mang tính chung chung nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục.
Ngoài ra, khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn muốn tuân thủ pháp luật. Song, do các khâu thực hiện có thể xuất hiện sai sót ngoài mong muốn, họ lại sợ bị truy cứu trách nhiệm.
“Vì vậy, nếu muốn gỡ điểm nghẽn, cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn doanh nghiệp làm thế nào cho đúng, thay vì coi họ là đối tượng vi phạm pháp luật. Được như vậy, doanh nghiệp vừa dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi triển khai cấp vốn”, bà Thảo nói.
Tại một diễn biến liên quan, trong Nghị quyết số phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp phù hợp.
Theo đó, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần nhanh sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Cùng đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.
Với kế hoạch đăng ký, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, tương đương số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2022, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ giải ngân được hơn 13 tỷ đồng, trong tổng số hơn 16.035 tỷ đồng phân bổ ở năm 2022.