07:14 01/03/2007

Ngân hàng Thế giới thấy gì ở chứng khoán Việt Nam?

“Xét về các hoạt động có tính đầu cơ thì tôi thấy vấn đề nảy sinh nhiều hơn là do các nhà đầu tư trong nước”

"Khung pháp lý hiện nay chưa được soạn thảo một cách chặt chẽ nhằm khống chế các hoạt động môi giới nằm ngoài hai các trung tâm giao dịch chứng khoán chính thức" - Ảnh: SGTT.
"Khung pháp lý hiện nay chưa được soạn thảo một cách chặt chẽ nhằm khống chế các hoạt động môi giới nằm ngoài hai các trung tâm giao dịch chứng khoán chính thức" - Ảnh: SGTT.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam chưa cần áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mua bán chứng khoán ở Việt Nam trong thời điểm này.

Trong công văn ra ngày hôm qua (27/2), Thủ tướng cũng nói về nhu cầu cấp thiết là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo rằng thị trường chứng khoán tại Việt Nam phát triển nhanh nhưng bền vững và hợp pháp.

Xung quanh những động thái mới nhất, báo giới đã phỏng vấn ông Noritaka Akematsu, Chuyên gia trưởng về kinh tế - tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Ông Noritaka Akematsu nói:

- Cá nhân tôi đánh giá cao việc Thủ tướng tránh dùng biện pháp khống chế nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Chúng ta thấy có một số lo ngại về việc có khả năng xuất hiện hành vi đầu cơ từ giới đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, đa phần vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán ở Việt Nam dường như là các khoản đầu tư dài hạn. Và giới đầu tư này cũng là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu sức ép của khách hàng của họ là phải thu lời nhanh và nhiều và điều đó có nghĩa là họ cũng tạo ảnh hưởng đối với giá chứng khoán.

Tuy nhiên, xét về các hoạt động có tính đầu cơ thì tôi thấy vấn đề nảy sinh nhiều hơn là do các nhà đầu tư trong nước. Cá nhân tôi cho rằng hành vi của các nhà đầu tư ngắn hạn ở trong nước có nhiều vấn đề hơn là nhà đầu tư nước ngoài, ít nhất là tại thời điểm này. Những người mua chứng khoán thậm chí hẹn hò những mối quen biết ở các quán cà phê hay qua Internet để trao đổi việc mua bán. Và việc mua bán chứng khoán qua mối thân quen thì đây là việc mà luật lệ không thể nào kiểm soát được.

Tại thời điểm này thì luật lệ về mua bán chứng khoán được soạn và ban hành mới để giám sát hoạt động tại hai trung tâm chứng khoán tại Hà Nội và Tp.HCM. Còn những hoạt động mua bán không chính thức thì chưa quản lý nổi.

Tức là ông đang nói tới những người đóng vai trò môi giới chứng khoán hoạt động không công khai?

Vâng, đúng là có các đối tượng này. Khung pháp lý hiện nay chưa được soạn thảo một cách chặt chẽ nhằm khống chế các hoạt động môi giới nằm ngoài hai các trung tâm giao dịch chứng khoán chính thức và đó là vấn đề Chính phủ nên khẩn trương khắc phục.

Trở lại vấn đề chính sách quản lý vốn nói chung thì tôi nghĩ rằng sẽ không có lợi nếu Chính phủ đưa ra chính sách quản lý vốn một cách vội vã và thiếu chuẩn bị. Tôi nghĩ Chính phủ nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dài hạn và cùng lúc không khuyến khích sự có mặt của các nhà đầu cơ ngắn hạn.

Ông nói rằng chính phủ nên hướng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào tham gia thị trường và không khuyến khích cách nhà đầu cơ ngắn hạn, Việt Nam có thể học được bài học gì từ các thị trường khác?

Trung Quốc có một hệ thống dành cho nhà đầu tư lớn nước ngoài có uy tín (Qualified Foreign Institutional Investor), theo đó họ hướng các nhà đầu tư theo ý muốn bằng cách cấp quota cho các nhà đầu tư thông qua chính sách đầu tư và thành tích đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đó.

Và qua việc đánh giá thực trạng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thì họ có thể điều chỉnh quota nhiều hơn cho nhà đầu tư dài hạn và bớt quota đối với các nhà đầu cơ ngắn hạn.

Giới tài chính nước ngoài cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam quá nóng. Ông có chia sẻ quan điểm này không?

Đúng là có một sự lạc quan nói chung về nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này và trong tương lai và chúng ta thấy có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam.

Xét về một góc độ thì việc Chính phủ Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển thị trường vốn đã có thành công phần nào. Về cơ bản có thể xem Việt Nam hiện nay đang sở hữu một bức tranh hỗn hợp giữa thành công và nảy sinh một số vấn đề do thành công quá mức trong một khoảng thời gian ngắn.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam thì khá tốt và việc phát triển thị trường vốn đồng bộ với kinh tế là hướng đi tích cực. Thế nhưng vấn đề là thị trường chứng khoán bị quá nóng, đi hơi quá đà. Luật lệ và khung sườn pháp lý đang được hình thành, tức là luật lệ hiện còn trong giai đoạn khởi đầu và mới thể hiện ở dạng tuyên bố ở dạng văn bản.

Những qui định và luật lệ đó phải được thực thi và giám sát. Thế nhưng để làm được điều đó thì cơ quan điều tiết phải có đủ quyền hạn để đảm bảo rằng các luật lệ đó được tuân thủ. Thế nhưng chính phủ thì hiện vẫn còn trong giai đoạn thiết lập bộ máy có năng lực và quyền hạn đó.

Diễn biến trên thị trường đã đi quá nhanh so với mục tiêu của chính phủ. Tức là vượt quá sự chờ đợi ban đầu và kết quả là việc tăng cường hệ thống giám sát và quản lý của các cơ quan liên quan hiện đang không theo kịp với diễn biến của thị trường.

Thế nhưng các nhà đầu tư chắc cũng không muốn đợi để chính phủ hoàn thiện hệ thống luật pháp?

Chính phủ hiện đang cố gắng đẩy nhanh việc hoàn thiện bộ máy có năng lực giám sát thị trường chứng khoán. Thế nhưng điều đó không thể làm trong một hai ngày được, trong khi thị trường thì lại diễn biến sôi động từng ngày.

Việt Nam không thể và không nên chậm trễ trong việc thiết lập cơ quan điều tiết và giám sát thị trường chứng khoán không những có tiêu chuẩn quốc tế mà phải có năng lực quốc tế. Việt Nam cần làm việc này càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.