Ngành Đường sắt tăng cường, nâng cấp nhiều chặng đường “hot” phục vụ dịp Hè
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp Hè, tuyến đường sắt Sài Gòn – Phan Phiết và ngược lại sẽ chạy hàng ngày từ tháng 5. Cùng với đó, tuyến tàu Sài Gòn – Đà Nẵng đã được sửa sang, nâng cấp thành đoàn tàu chất lượng cao…
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), từ tháng 5, đường sắt sẽ chạy hàng ngày đôi tàu SPT2/SPT1 Sài Gòn - Phan Thiết thay vì chạy một số ngày trong tuần như trước nhằm phục vụ nhu cầu hành khách đi lại tăng cao dịp Hè. Giá vé dao động từ 169.000-294.000 đồng/vé/lượt tùy loại chỗ, ngày đi tàu.
Cụ thể, tàu SPT2 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 6h30, đến ga Phan Thiết lúc 10 giờ 50 phút. Tàu SPT1 xuất phát tại ga Phan Thiết lúc 13 giờ, đến ga Sài Gòn lúc 17 giờ 30 phút. Tàu dừng đón, trả khách tại các ga: Sài Gòn, Dĩ An, Biên Hòa, Long Khánh, Gia Ray, Gia Huynh, Bình Thuận, Phan Thiết.
Ngoài ra, khi đến ga Phan Thiết, hành khách có thể sử dụng các dịch vụ để di chuyển thuận lợi hơn như xe bus chặng đường từ ga Phan Thiết đến Long Sơn Suối Nước và ngược lại; thuê xe máy ngay tại ga. Hành khách có thể mua vé xe bus tại ga Sài Gòn, trên tàu Sài Gòn - Phan Thiết hoặc qua tổng đài bán vé.
Đáng chú ý, đường sắt cung cấp dịch mới với combo vé tàu khứ hồi - vé xe bus - một đêm lưu trú resort 3 - 4 sao, giá từ 1.110.000 đồng.
Ngành đường sắt vẫn sẽ áp dụng các chính sách giảm giá thường xuyên đối với các đối tượng chính sách, xã hội như: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người khuyết tật nặng, trẻ em, học sinh, sinh viên, đoàn viên công đoàn.
Riêng đôi tàu SPT2/SPT1, từ 17/5 đến 18/8/2024, hành khách đi tàu được giảm giá 5% khi mua vé trước ngày đi tàu từ 10 ngày trở lên (không áp dụng với chỗ khoang 4 giường).
Ngoài ra, tàu SPT1/SPT2 bổ sung thêm ga đón tiễn hành khách tại ga Gia Ray (thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) và Ga Gia Huynh (xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).
Trước đó, vào cuối tháng 4, tại Ga Sài Gòn (TP.HCM), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (chặng Sài Gòn - Đà Nẵng) và được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đối với du khách trong dịp Hè 2024.
Tàu SE22 khởi hành tại ga Sài Gòn lúc 11 giờ và đến ga Đà Nẵng lúc 6 giờ 5 phút ngày hôm sau; trong khi tàu SE21 khởi hành tại ga Đà Nẵng lúc 8 giờ 15 phút và đến ga Sài Gòn lúc 4 giờ 15 phút hôm sau.
Giá vé suốt chặng khoảng trên 500.000 đồng với ghế ngồi và khoảng 900.000 đồng với giường nằm (giá tùy thời điểm và loại ghế). Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đây là một sản phẩm mới với nhiều tiện ích và thẩm mỹ vượt trội được ngành đường sắt đưa vào khai thác.
Theo đó, toa xe tàu SE21/22 là những toa có chất lượng tốt nhất được Tổng Công ty lựa chọn để thực hiện nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng tiện ích và đem lại hiệu ứng thẩm mỹ cao.
Để tạo điểm nhấn nhận diện, vỏ các toa tàu đều được sơn mới theo màu trắng xám và xanh với hình ảnh chủ đạo là hình ảnh chim Hạc trên trống đồng Đông Sơn - biểu tượng gắn liền với văn hóa Việt. Nhiều tính năng hiện đại lần đầu tiên được đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác phục vụ hành khách.
Trong đó, nội thất toa xe được thay mới hoàn toàn. Ngoài các toa xe 4 giường, trên tàu còn bố trí 1 toa xe có 3 khoang VIP với 2 chỗ kiểu ghế sofa phù hợp với hành khách muốn có không gian riêng tư. Hệ thống điều hòa không khí được thay mới, có thể điều chỉnh hướng gió, nhiệt độ; hai đầu toa xe đều được trang bị màn hình Led tích hợp các thông tin đường sắt;...
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết điểm đặc biệt là ngành đường sắt lần đầu đưa vào loại ghế có thể xoay 180 độ, giúp hành khách tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp, không lo bị say xe do ngồi ngược chiều khi tàu chạy.
Đồng thời, các cửa trên toa xe đều được gắn thêm thiết bị tự động cố định để giảm âm thanh rung lắc trong quá trình chạy tàu; Wifi được lắp đặt trên tàu phục vụ hành khách miễn phí.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng lần đầu thực hiện nâng cấp, cải tạo mở rộng nhà vệ sinh (từ 1m lên 1,4m) cũng như thay mới, lắp đặt các thiết bị hiện đại để chống ẩm ướt, giảm mùi hôi.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2023 - 2025 lợi nhuận là 322,8 tỷ đồng.
Theo đó, giai đoạn này, chỉ tiêu đề ra là toàn Tổng công ty phải đạt doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế âm 866,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 âm hơn 1.193,7 tỷ đồng, giai đoạn 2023-2025 sẽ thoát lỗ và lãi 322,8 tỷ đồng.