11:41 29/11/2022

Ngành logistics Việt: Thiếu doanh nghiệp “đầu đàn”

Song Hà

Logistics Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tiềm năng phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên năng lực vận hành, hiệu quả trong hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics của Việt Nam vẫn ở mức thấp nếu so với các nước trong khu vực và còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ...

89% là doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa
89% là doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm  50  thị trường  logistics  mới  nổi  toàn  cầu.  Tỷ lệ tăng  trưởng  kép  hàng  năm  (CAGR)  giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành  với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 cho thấy, hệ sinh thái cho phát triển ngành logistics Việt Nam đến nay cũng đang dần được hoàn thiện. Đường bộ vẫn là phương thức vận tải chiếm ưu thế (chiếm 74,7% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 9 tháng năm 2021), tiếp theo là đường thủy nội địa (chiếm 19,84%), đường biển (chiếm 5,10%).

Khối lượng vận chuyển bằng đường sắt và đường hàng không còn rất hạn chế, chiếm lần lượt 0,34% và 0,02% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng năm 2021. Song báo cáo nhận định, dù vận chuyển hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam nhưng chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Đây là một đặc điểm cần được chú ý khi sớm hoạch định phát triển.

Đối với dịch vụ vận tải đường biển, cảng biển có khối lượng hàng container thông quan lớn như Vũng Tàu tăng 28%, Đồng Nai tăng 17%, TP. Hồ Chí Minh tăng 11%, Hải Phòng tăng hơn 15%. Trong 9 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đạt 60,54 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là mức tăng khá tích cực trong bối cảnh vận tải biển gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Báo cáo cũng cho thấy, 53,7% doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ kho bãi, là một trong những dịch vụ cung cấp chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có 48 kho lạnh với công suất 600.000 pallets. Trong đó miền Nam có 36 kho lạnh với công suất 526.364 pallets, miền Trung có 1 kho lạnh với công suất 21.000 pallets và miền Bắc có 11 kho lạnh với công suất 54.780 pallets. Cả nước có hơn 700 xe lạnh và 450 toa xe lửa chuyên chở container chở hàng lạnh.

Ngoài ra, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam cũng đang nở rộ, có doanh thu năm 2019 632,6 triệu USD và ước tính đạt 2,19 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 22,4% trong giai đoạn 2020-2027.

Dù có bước phát triển nhanh và tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức 12-15%, tuy nhiên ngành  dịch  vụ logistics  vẫn  còn  những  “điểm  nghẽn”  về chính sách, cơ sở hạ tầng cần “khơi thông”.

Trong đó, chi phí logistics là một trong những hạn chế lớn. Theo báo cáo công bố của Agility, năm 2021, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP...

“ĐỘI QUÂN” ĐÔNG NHƯNG NHỎ

Theo số liệu của Cục xuất nhập khẩu, tính đến năm 2021, cả nước có hơn 43.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics.  Trong  số đó,  hơn  5.000  doanh  nghiệp  hoạt động trong  lĩnh vực logistics quốc tế, 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực.

89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker…

Dù là một ngành nhiều tiềm năng song thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế.

Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số và tới 90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; phân tán về loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp logistics hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành logistics Việt: Thiếu doanh nghiệp “đầu đàn” - Ảnh 1