13:39 16/10/2023

Ngành nông, lâm, thủy sản quyết giữ mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD

Chu Khôi

Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt gần 38,5 tỷ USD. Như vậy, để đạt mục tiêu cả năm là 54 tỷ USD, những tháng còn lại cần phải mang về thêm 15,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, đây là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm và năng động của toàn ngành...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 4 cần đem về 15,5 tỷ USD.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản quý 4 cần đem về 15,5 tỷ USD.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 38,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 19,54 tỷ USD (tăng 16,7%); các sản phẩm chăn nuôi đạt 369 triệu USD (tăng 26,4%); thủy sản đạt 6,64 tỷ USD (giảm 21,7%); lâm sản đạt 10,44 tỷ USD (giảm 20,6%); xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 1,49 tỷ USD (giảm 20,2%).

ẤN TƯỢNG VỚI MỨC TĂNG TRƯỞNG NÔNG SẢN

Xét về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 3 quý: Châu Á chiếm thị phần 48,6%; châu Mỹ chiếm 22,7%; châu Âu chiếm 10,8%; châu Phi chỉ chiếm 2,1% và châu Đại Dương chỉ chiếm 1,5%. Xét về thị trường đơn lẻ, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 22,1%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, giảm 22,6%; và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ trọng 7,6%, giảm 7,7%. 

Ngành nông, lâm, thủy sản quyết giữ mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD  - Ảnh 1

Trong 9 tháng năm 2023, rau quả, gạo, cà phê, điều, sản phẩm chăn nuôi là những ngành hàng đạt được tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, rau quả đạt gần 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng xuất khẩu trái sầu riêng đã đạt giá trị 1,35 tỷ USD); gạo đạt 6,61 triệu tấn và 3,66 tỷ USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 40,4% về giá trị; hạt điều đạt 456 nghìn tấn và 2,61 tỷ USD, tăng 19,6% về khối lượng và tăng 14,3% về giá trị; cà phê đạt 1,27 triệu tấn và 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về khối lượng nhưng tăng 1,9% về giá trị.

Đối với các sản phẩm chăn nuôi trong tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu ước đạt 45 triệu USD, đưa tổng giá trị 9 tháng năm 2023 đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 101 triệu USD, tăng 23,6%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 106 triệu USD, tăng 35,9%. 

Tuy nhiên, xuất khẩu lâm sản và một số mặt hàng nông sản khác trong 9 tháng qua vẫn suy giảm rất mạnh về cả lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao su đạt 1,42 triệu tấn và 1,89 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng nhưng giảm 17,4% về giá trị; chè đạt 83 nghìn tấn và 142 triệu USD, giảm lần lượt là 13,2% và 15,3%; hạt tiêu đạt 207 nghìn tấn và 685 triệu USD, tăng 18,7% về khối lượng nhưng giảm 11,1% về giá trị; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,13 triệu tấn và 893 triệu USD, giảm lần lượt là 8,5% và 12,9%.

Với thủy sản, giá trị xuất khẩu trong tháng 9/2023 chỉ đạt 850 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2023 đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ trong tháng 9/2023 đạt 1,2 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 9,69 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. 

Từ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023 đạt 30,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 18,68 tỷ USD, giảm 9,5%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,58 tỷ USD, giảm 8,4%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 1,97 tỷ USD, giảm 3,7%; giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 1,72 tỷ USD, giảm 29,2%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 5,47 tỷ USD, giảm 9%; giá trị nhập khẩu muối đạt 34,8 triệu USD, tăng 13,4%. 

Xét về cán cân xuất - nhập khẩu theo mặt hàng cụ thể, 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 8,02 tỷ USD; cà phê thặng dư 3,04 tỷ USD; gạo thặng dư gần 3 tỷ USD; rau quả thặng dư 2,72 tỷ USD; tôm thặng dư 2,11 tỷ USD; cá tra thặng dư 1,24 tỷ USD, giảm 33,6%. Có 3 mặt hàng thâm hụt thương mại trên 1 tỷ USD, gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu thâm hụt 2,94 tỷ USD; bông thâm hụt 2,18 tỷ USD; ngô thâm hụt gần 1,93 tỷ USD.

MỤC TIÊU XUẤT KHẨU 54 TỶ USD CÓ KHẢ THI?

Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn kiên định mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm 54 tỷ USD, cao hơn so với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022. Như vậy, trong quý 4 của năm 2023 toàn ngành cần phải đem về 15,5 tỷ USD, tức phải tăng trưởng 25% so với kim ngạch xuất khẩu 12,4 của năm 2022. Mục tiêu này liệu có khả thi?

Với ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam dự kiến kim ngạch xuất khẩu trong quý 4 có thể đem về 4,8 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm lên khoảng 14 - 14,5 tỷ USD. So với năm ngoái, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự tính sụt giảm 1,5 tỷ USD. Với ngành hàng thủy sản, dự tính cả năm sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 9 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với năm 2022. Tính gộp cả lâm sản và thủy sản, sẽ giảm tổng cộng 3,5 tỷ USD...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành nông, lâm, thủy sản quyết giữ mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD  - Ảnh 2