13:17 08/02/2022

Ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2022

Chu Khôi

Hoạt động xuất khẩu rau quả được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia... đã tạo nên kết quả ấn tượng cho ngành này ngay từ đầu năm. Trong tháng 01/2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 301 triệu USD tăng mạnh tới 16% so với con số 260 triệu USD của cùng kỳ năm 2021…

Xuất khẩu rau quả đã sáng lạn ngay từ đầu năm.
Xuất khẩu rau quả đã sáng lạn ngay từ đầu năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khác với tình trạng “bế quan” trước Tết Nguyên đán, từ ngày 3/2/2022 (tức từ Mồng 3 Tết Nhâm Dần), các cửa khẩu ở biên giới với Trung Quốc đã mở cho các xe chở trái cây của Việt Nam thông quan.

Thời gian này, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là chuối, thanh long, mít… Thông lệ hằng năm vào mùa Xuân, giá trái cây sẽ ở mức cao do Trung Quốc vẫn còn mùa lạnh, hàng nội địa ít nên cần nhập khẩu trái cây số lượng lớn.

 GIỮ VỮNG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ tháng 01/2022.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu, cùng với sự thi hành nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu. Với hàng rào kỹ thuật bị siết chặt, khiến mặt hàng rau quả vốn là loại nông sản không thể bảo quản lâu, được nhận định sẽ ngày càng khó khăn khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

 

Từ năm 2019 kể về trước, Trung Quốc luôn chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc quốc đã giảm dần trong cơ cấu thị phần rau quả xuất khẩu, nhưng đây vẫn là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỷ USD giá trị.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit), dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Hoa Kỳ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của ngành. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thị trường này để tránh bị mất thị phần vào Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia,… bằng cách nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc để có giải pháp thích ứng phù hợp.

Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu nông sản thực phẩm của họ.

Tình trạng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ, tắc nghẽn tại cửa khẩu vốn đã xảy ra thường xuyên từ nhiều năm, thì vào tháng 1/2022 diễn ra càng trầm trọng hơn những năm trước.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc hàng hóa nông sản ở cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết, các chuyên gia cho rằng do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Hiệp định thư xuất khẩu nông sản, nên hiện nay 100% hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc đều phải chờ cơ quan hải quan phía Trung Quốc kiểm tra, gây ảnh hưởng đến tiến độ thông quan.

Muốn chấm dứt tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật.

Với các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển.

RAU QUẢ VIỆT NGÀY CÀNG VƯƠN XA

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1/2022 đạt 301 triệu USD tăng mạnh tới 16% so với tháng 1/2022. 

Sở dĩ kết quả cao đạt được là nhờ thành tích ở những thị trường mới. Hoạt động xuất khẩu được các doanh nghiệp duy trì xuyên Tết Nguyên đán, những lô hàng xuất bán đi khắp các thị trường Mỹ, EU, Australia...được duy trì đã góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng của mặt hàng rau quả.

Kết quả xuất khẩu rau quả tháng đầu năm càng có ý nghĩa hơn trong tình cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc đã lâm vào cảnh gần như “tê liệt” do hạn chế thông quan của nước bạn.

 

Điều đặc biệt, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu rau quả thường đạt giá trị kim ngạch cao nhất vào tháng 12, và tháng 1 năm sau luôn giảm so với tháng 12 của năm trước. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của tháng 1/2022 đã tăng 0,3% với tháng 12/2021, đây là điểm nhấn ít thấy trong nhiều năm qua.

Những năm gần đây, Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng rau quả. Cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu sang các châu lục trong năm 2021 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét. Trong khi tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang châu Âu và châu Mỹ tăng, thì tỷ trọng xuất khẩu sang châu Á giảm.

Trong năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường châu Âu và châu Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu tới châu Âu đạt 303 triệu USD, tăng 17,4% so với năm 2020; tới châu Mỹ đạt 271 triệu USD, tăng 29,1% so với năm 2020.

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển tích cực.

Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả hạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì chủng loại sản phẩm chế biến lại tăng. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5% so với năm 2020. 

Dịch Covid-19 được cho là không ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất rau, củ, quả chế biến toàn cầu. Ngược lại, nguồn cung rau quả chế biến tăng khi xuất khẩu sản phẩm tươi hoặc đông lạnh giảm, buộc các nhà sản xuất phải chuyển hướng sang chế biến. Trong khi đó, giá cả, thời gian sử dụng và sự đổi mới là những động lực chính thúc đẩy sự gia tăng tiêu thụ trái cây và rau quả chế biến

Năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Đầu năm 2022 này, ngay khi Tết chưa hết, nhiều xe nông sản ở cửa khẩu với Trung Quốc đã được thông quan sớm hơn dự kiến đã cho thấy sự sáng sủa, giúp ngành rau quả tự tin với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay.