Ngành thời trang đối mặt với những câu hỏi hóc búa tại COP 29
Ngày 11/11 theo giờ địa phương, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 29 đã diễn ra tại Baku, Azerbaijan, đưa vấn đề về môi trường và khí hậu trở nên “nóng” hơn bao giờ hết…
2024 gần như chắc chắn là năm nóng nhất được ghi nhận. Cùng với nhiệt độ tăng vọt, 2024 được đánh dấu bằng những thiên tai dữ dội, từ bão lũ đến hạn hán, gây thiệt hại không nhỏ cả về người và của. Tham vọng toàn cầu nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp ngày càng trở nên khó khăn: thế giới đã nóng lên 1,3 độ C và nếu không có hành động tiếp theo, nhiệt độ trên trái đất dự kiến sẽ tăng gần 3 độ vào cuối thế kỷ này, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố tháng trước.
Ngành công nghiệp thời trang cũng đang chậm chạp trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu của mình. Mặc dù một số công ty riêng lẻ đã bắt đầu tiến bộ trong việc giảm thiểu lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu, nhưng nhìn chung, lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ tăng hơn 40% vào năm 2030 khi khối lượng khí thải carbon ngày càng tăng lên, theo phân tích của liên minh thương mại Apparel Impact Institute.
Khi thế giới đang dần hứng chịu những hậu quả ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp thời trang sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về vấn đề này.
LIỆU KHÍ HẬU CÓ PHẢI LÀ ƯU TIÊN CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỜI TRANG?
Điều này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Mặc dù số lượng các công ty thời trang đặt ra những cam kết về khí hậu đã tăng đáng kể từ khi Thỏa thuận Paris (một hiệp ước toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu) được ký kết vào năm 2016, việc thực hiện các mục tiêu này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo phân tích của nhóm vận động Stand.earth được công bố trong năm nay, chỉ Levi's, Puma và Tập đoàn H&M hiện đang đi đúng hướng để giảm thiểu khí thải trong sản xuất (công đoạn gây ảnh hưởng đến môi trường nhất) nhằm phù hợp với các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp từng đưa ra những lời hứa hẹn hào nhoáng về khí hậu mà không suy nghĩ nhiều về cách thực hiện chúng đã bắt đầu rút lui. Trong ngành thời trang, các công ty như Asos và Crocs đã từ bỏ hoặc trì hoãn các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu sau khi xác định rằng chúng không đủ mạnh hoặc không thực tế. Một phân tích về những cuộc khảo sát các CEO được công bố vào tháng 9 bởi Bain & Co chỉ ra rằng mục tiêu bền vững đang lùi dần xuống dưới trong danh sách ưu tiên của các lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn.
Mặt khác, các quy định về chống biến đổi khí hậu sắp được ban hành từ Châu Âu đến Mỹ có nghĩa là ngành công nghiệp thời trang không thể tiếp tục coi “hành động vì môi trường” là một công cụ marketing tiện lợi. Các quy tắc mới được thiết lập để khiến các thương hiệu thời trang chịu trách nhiệm hơn về những gì xảy ra đối với môi trường trong chuỗi cung ứng của họ, áp thuế cao hơn đối với các sản phẩm gây ô nhiễm hơn và yêu cầu quần áo sử dụng nhiều chất liệu có tác động thấp hơn đến môi trường.
Những công ty lớn trong ngành cũng đang cố gắng và thúc đẩy sự thay đổi. Các giám đốc điều hành của Tập đoàn H&M và chủ sở hữu của Zara, Inditex, là những người đã ký tên vào một bức thư ngỏ được gửi trước COP 29, thúc đẩy các chính phủ đặt ra các mục tiêu và chính sách rõ ràng để hỗ trợ các khoản đầu tư xanh cho doanh nghiệp.
CÁC RỦI RO VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGÀNH THỜI TRANG LÀ GÌ?
Đối với các doanh nghiệp, việc ưu tiên mục tiêu khí hậu không chỉ là để trở thành một doanh nghiệp tốt hay thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường, mà là về quản lý rủi ro. Nhưng ngay cả khi các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn và nặng nề hơn, chỉ có một số ít công ty thời trang đã đo lường được cách biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp của họ.
Rõ ràng rằng các tác động do biến đổi khí hậu gây ra cho ngành thời trang sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các kiểu thời tiết bất thường có nghĩa là hành vi tiêu dùng bất ngờ, khiến việc quản lý hàng tồn kho và kiểu dáng sản phẩn theo mùa trở nên khó khăn hơn. Hạn hán và lũ lụt đe dọa chuỗi cung ứng nguyên liệu thô như bông và da, và nhiệt độ tăng cao có nghĩa là năng suất sản xuất thấp hơn và sức khỏe công nhân yếu đi.
Khi nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trên khắp các trung tâm sản xuất ở châu Á - châu lục sản xuất và gia công hàng may mặc lớn nhất thế giới trong năm nay, các nhóm lao động cho biết họ nhận được nhiều báo cáo hơn về các bệnh liên quan đến nhiệt độ và mất nước. Máy móc ngừng hoạt động và các quy trình phụ thuộc vào điều hòa nhiệt độ không thể hoạt động. Theo một nghiên cứu được công bố năm ngoái, nhiệt độ cực cao và lũ lụt có thể xóa sổ hàng chục tỷ USD doanh thu của ngành may mặc và làm giảm đáng kể lợi nhuận hoạt động của các thương hiệu vào năm 2030.
TIỀN ĐỂ TRẢ CHO MỘT NGÀNH THỜI TRANG XANH HƠN, BỀN VỮNG HƠN Ở ĐÂU?
Xử lý lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu của ngành thời trang sẽ tiêu tốn khoảng 1 nghìn tỷ USD, nhưng chỉ có một số ít thương hiệu đã vạch ra kế hoạch tài trợ cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của họ. Tài chính sẽ là một vấn đề trọng tâm tại hội nghị COP năm nay vì không ai đầu tư đủ nhiều để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, đây là một vấn đề phức tạp đối với ngành thời trang. Kinh tế ảm đạm đã khiến việc tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án bền vững, thường mất nhiều thời gian để hoàn vốn và có lợi nhuận vô hình, trở nên khó khăn. Phần lớn lượng khí thải của hầu hết các thương hiệu diễn ra ở sâu trong chuỗi cung ứng của họ tại các nhà máy mà họ không sở hữu. Mặt khác, các nhà cung cấp đang hoạt động với lợi nhuận siêu mỏng và cho rằng họ không nên phải gánh chịu toàn bộ gánh nặng để dọn dẹp một vấn đề mà các thương hiệu lớn cần giải quyết, mặc dù các thương hiệu tiếp tục chiếm phần lớn lợi nhuận trong ngành.
Một số thương hiệu và nhóm trong ngành đã bắt đầu khám phá các cơ chế tài trợ mới có thể giúp các nhà sản xuất tiếp cận các khoản vay rẻ hơn, hoặc hỗ trợ nông dân thông qua việc mua tín chỉ carbon hoặc thiên nhiên. Nhưng những nỗ lực này chỉ là một dòng chảy nhỏ trong một dòng vốn khổng lồ đang rất cần thiết. Hơn hết, các nhà cung cấp cho biết họ sẽ được hưởng lợi từ các cam kết nguồn cung dài hạn, sẽ giảm bớt rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư lớn. Sự trỗi dậy của thời trang siêu nhanh và nền kinh tế chậm chạp đang khiến ngành công nghiệp thời trang trở nên ngắn hạn hơn.