Ngành thời trang và làm đẹp sẽ thay đổi vì khủng hoảng khí hậu
Thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới vào tháng 7 vừa qua ít được nhắc đến trong các báo cáo thu nhập của các thương hiệu lớn, cho thấy rằng các nhà đầu tư và giám đốc điều hành vẫn chưa coi khí hậu là rủi ro kinh doanh trước mắt…
Tháng trước có thể là tháng nóng nhất mà con người từng trải qua. Nhiệt độ ở mức nguy hiểm cho sức khỏe bao trùm châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực của châu Á trong nhiều tuần, kéo theo những đám cháy rừng dữ dội và lũ lụt dâng cao. Thiệt hại về người đã rõ ràng, nhưng các hiện tượng cực đoan trong mùa hè này cũng sẽ có tác động dây chuyền lâu dài đối với nền kinh tế toàn cầu. “Biến đổi khí hậu là đây. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu,” tổng thư ký LHQ António Guterres nói trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 7.
NGÀNH THỜI TRANG CÓ CẢM THẤY NÓNG?
Giữa một loạt các báo cáo kinh doanh trong hai tuần qua, thời tiết hầu như không được nhắc đến. Trên thực tế, nó chỉ xuất hiện một lần, trong phần thắc mắc từ nhà đầu tư của Moncler. Khi được một nhà phân tích hỏi liệu thương hiệu áo khoác phao cao cấp có nhận thấy bất kỳ tác động nào từ những đợt nắng nóng gần đây trên khắp thế giới hay không, Giám đốc điều hành và tiếp thị Roberto Eggs cho biết, để đối phó với thời tiết khắc nghiệt và biến đổi, Moncler đã bắt đầu cung cấp cả sản phẩm giữ ấm và áo khoác nhẹ trong suốt cả năm.
Stephanie Williams, nhà phân tích đầu tư bền vững tại công ty quản lý tài sản Schroder, nói với tờ Business of Fashion: “Thực tế là cả các công ty và nhà đầu tư đều không nắm bắt hoặc mô hình hóa đầy đủ những hậu quả tiềm ẩn của thời tiết khắc nghiệt đối với chuỗi cung ứng hàng may mặc. Mặc dù hiện tại, nhiệt độ cực cao có thể chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng những hậu quả này đối với ngành sẽ chỉ tăng lên chứ không thể giảm xuống”.
Hiện tại, chủ đề thời tiết và môi trường thường chỉ được nói đến trong các báo cáo hàng năm, nơi các cơ quan quản lý đang ngày càng bắt buộc các công ty tiết lộ các rủi ro khí hậu và chiến lược giảm thiểu khí thải của họ. Trong thời trang, thời tiết cực đoan là mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng vì có thể làm tăng chi phí, hạn chế khả năng tiếp cận nguyên liệu thô và làm gián đoạn sản xuất.
Jason Judd, giám đốc điều hành của Viện Lao động Toàn cầu của Đại học Cornell cho biết: “Nắng nóng cực độ đang gây ra thiệt hại lớn cho người lao động và thông qua người lao động đối với sản lượng và thu nhập ở cấp nhà máy. Lũ lụt dữ dội, được cho là khó dự đoán hơn và có sức tàn phá lớn hơn, cũng là một rủi ro ngày càng tăng ở nhiều trung tâm tìm nguồn cung ứng lớn của ngành thời trang”.
Hiện tại, công nghệ sản xuất vải đã tạo ra những loại quần áo với khả năng thay đổi màu sắc, chặn ánh nắng mặt trời, thu thập các dữ liệu y tế hay thậm chí là hiển thị những thông báo tùy chỉnh… Bà Lorna Hall, chuyên gia của Công ty WGSN chuyên theo dõi và dự báo xu hướng tiêu dùng, cho biết quần áo được thiết kế để nâng cao khả năng chống chịu nắng nóng đang chuyển từ những sản phẩm vốn chỉ phù hợp cho một số nhóm đối tượng trở thành xu hướng phổ biến.
Tương tự, ông Evan Gold, Phó Chủ tịch điều hành của Planalytics thì đánh giá tác động của thời tiết đến nhu cầu của người tiêu dùng và cho biết, trong 5 năm qua, chỉ riêng những thay đổi về thời tiết đã làm tăng doanh số bán quần áo làm từ các loại vải có tác dụng chống nắng và làm mát lên 11,5%.
NGÀNH LÀM ĐẸP ĐÃ PHẢN ỨNG NHANH HƠN
Đầu mùa hè này, khi các đám cháy rừng ở Canada bao phủ phần lớn Bờ Đông Hoa Kỳ, không chỉ ô nhiễm không khí tăng vọt. Các thương hiệu có sản phẩm phục vụ cho việc bảo vệ có thể chống ô nhiễm nhận thấy doanh số bán hàng của họ tăng cao bất ngờ. Ví dụ, doanh số bán hàng của thương hiệu chăm sóc da Pour Moi's Smoke Alarm Drops, sử dụng công thức chiết xuất từ tế bào rêu, hạt thông và hạt gai dầu để làm dịu căng thẳng cho da do khói, đã tăng gấp ba lần.
Bỏ qua các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, thời tiết nóng lên giữ các hạt ô nhiễm ở gần mặt đất hơn và việc sử dụng nhiều máy điều hòa không khí làm tăng lượng khí thải. Các công ty làm đẹp, từ gã khổng lồ mỹ phẩm toàn cầu như L'Oréal đến các thương hiệu độc lập như Barbara Sturm, đã nhận ra thực tế này.
Theo công ty nghiên cứu Future Market Insights, thị trường nguyên liệu chống ô nhiễm toàn cầu đã trị giá 870 triệu USD và dự kiến sẽ đạt 1,4 tỷ USD vào cuối năm 2031. Mặc dù định nghĩa về những gì cấu thành một thành phần chống ô nhiễm hơi mơ hồ, nhưng than hoạt tính, chiết xuất thực vật và các thành phần như Vitamin A, C và E thường được sử dụng.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Pour Moi, Ulli Haslacher, người đã coi công ty của mình là thương hiệu chăm sóc da quan tâm đến khí hậu đầu tiên trên thế giới, cho biết: “Trong khi chăm sóc da truyền thống chỉ điều chỉnh thành phần chăm sóc theo loại da hoặc độ tuổi, triết lý của Haslacher là những thay đổi do khí hậu của một người và ảnh hưởng của nó đối với hàng rào bảo vệ da quan trọng hơn nhiều. Khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm theo vùng địa lý của Hoa Kỳ và khí hậu tương ứng, hoặc theo các hình thái khí hậu như vùng mưa, núi cao, ô nhiễm hoặc sa mạc”.
Maria Osorio, giám đốc tiếp thị và phát triển sản phẩm của Cosmetica Labs, công ty sản xuất mỹ phẩm cho nhiều thương hiệu hàng đầu cho biết, khách hàng hiện đang yêu cầu các sản phẩm có thể giải quyết các mối quan tâm mới liên quan đến biến đổi khí hậu, từ tia nắng mặt trời đến tình trạng viêm và tổn thương liên quan đến ô nhiễm cho cả da và tóc. “Kem chống nắng thôi là chưa đủ; họ tìm kiếm kem chống nắng có lớp bảo vệ da khỏi các hạt vi mô, ô nhiễm và các tác nhân gây hại từ môi trường, và chúng tôi thấy các nhà cung cấp nguyên liệu thô mang đến công nghệ mới cho điều đó,” Osorio nói.
Ngoài ra, một trong những hướng đi quan trọng hầu hết các công ty thời trang và làm đẹp đang triển khai là thực hiện các chương trình tái chế. Các đơn vị sản xuất dần chuyển sang tận dụng năng lượng mặt trời nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt. Đóng gói bao bì xanh, dùng thuốc nhuộm có nguồn gốc từ vi khuẩn, triển khai chuỗi cung ứng blockchain và giới thiệu khả năng truy xuất nguồn gốc để tăng tính minh bạch là một số giải pháp mới nhằm đạt được mục tiêu bền vững tốt hơn.